Tín hiệu kinh tế Mỹ suy thoái dần lộ rõ

Công Tùng (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ sáu, ngày 15/07/2022 14:08 GMT+7

Người đi bộ đi ngang qua Sở Giao dịch Chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)

VTV.vn - Những dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và nhiều tín hiệu suy thoái cũng dần lộ rõ.

Báo cáo lạm phát tháng 6 của nền kinh tế lớn nhất thế giới ở mức 9,1% đã tác động không nhỏ tới trái phiếu Chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm tăng lên mức 3,138%, còn kỳ hạn 10 năm được niêm yết ở mức gần 2,96%. Điều này tạo ra hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược, vốn là tín hiệu cảnh báo về khả năng suy thoái.

Với những dấu hiệu như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ không thể tránh khỏi một cuộc suy thoái. Đây là nhận định dẫn lời chuyên gia của hàng loạt tờ báo tại Mỹ.

Một loạt các nỗ lực kiềm chế lạm phát, vốn là ưu tiên số 1 hiện nay đã được chính quyền Mỹ đưa ra. Tuy nhiên thực tế, lạm phát của Mỹ trong tháng 6 tiếp tục lập đỉnh mới 9,1% - con số cao nhất trong 4 thập kỷ tại Mỹ.

Theo CNN, người Mỹ phải đối mặt với tình trạng tăng giá kỷ lục. Giá năng lượng nói chung đã tăng 41,6% so với năm 2021. Tờ báo trích một nghiên cứu cho biết, so với 1 năm trước, một gia đình điển hình ở Mỹ hàng tháng đã phải chi thêm gần 500 USD cho mua sắm và sinh hoạt.

CNBC dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và quan điểm cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể khiến kinh tế Mỹ không sớm thì muộn, rơi vào suy thoái.

Hiện vẫn còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến thời điểm nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái. Một số cho rằng, Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái. Trong khi số khác khẳng định, tình trạng này sẽ xảy ra ít nhất vào năm sau.

IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2022 xuống còn 2,3% so với mức 2,9% hồi tháng 6. Theo Reutes, lạm phát tăng trên diện rộng đã gây ra những rủi ro hệ thống cho nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới. Do đó, nhiệm vụ kiềm chế đà tăng của giá cả và lương mà không gây ra suy thoái ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, tờ MarketWatch cho biết vẫn có những tín hiệu tích cực khi thâm hụt ngân sách của Mỹ đang giảm 49% vào tháng 6 từ mức 174 tỷ USD một năm trước đó xuống còn 89 tỷ USD, nhưng con số nợ công của Mỹ vẫn ở mức cao, hiện đã lên tới 30.000 tỷ USD.

Lạm phát tăng cao buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải có quyết định mạnh tay trong cuộc họp cuối tháng này. Phương án tăng 0,75 % nhiều khả năng được FED đưa ra. Thậm chí FED còn cân nhắc cả phương án tăng 1%.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ

VTV.vn - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/7 tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2022 từ mức 2,9% đưa ra cuối tháng 6 xuống còn 2,3%.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước