Ứng dụng công nghệ cao để tái cơ cấu nông nghiệp

B.N-Thứ tư, ngày 02/11/2016 19:34 GMT+7

VTV.vn - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ để chủ động hội nhập là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp.

"Mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển đổi nền nông nghiệp hiện nay sang nền nông nghiệp hướng tới nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn theo xu hướng của thế giới. Đây là một quá trình lâu dài và gồm nhiều bước phát triển từ thấp đến cao. Vấn đề là làm thế nào?" – Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi.

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi cho nông nghiệp hiện đại với rất nhiều ưu điểm đã được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đánh giá cao giải pháp tái cơ cấu kinh tế về nông nghiệp mà Chính phủ đã đề ra, tuy nhiên đại biểu Lê Thị Thu Hồng cho rằng cần làm rõ những vấn đề chính để quá trình tái cơ cấu diễn ra hiệu quả, trong đó nhấn mạnh và nhất quán chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ để chủ động hội nhập và đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

"Về lực lượng thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạt nhân nòng cốt phải là doanh nghiệp. Họ có năng lực đầu tư, có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ, có vốn, có kinh nghiệm trên thương trường" – đại biểu Lê Thị Thu Hồng bày tỏ quan điểm.

Hiện tại một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và một số địa phương đã có những mô hình doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế số lượng còn ít và việc doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa phổ biến. Đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) đã chỉ ra một số vướng mắc trong đầu tư vào công nghệ cao như: "Doanh nghiệp rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, còn người dân thì không muốn rời bỏ đất đai vốn là tài sản lớn nhất của mình và tập quán canh tác đã hình thành từ lâu đời. Vướng mắc tiếp theo là về chính sách, nhà đầu tư không chỉ trông vào những chính sách ưu đãi mà nhà nước dành cho họ, còn quan tâm đến tuổi thọ của các chính sách có lâu dài và nằm trong quy hoạch rõ ràng và ổn định không. Thứ ba, về công nghệ. Thứ tư, vấn đề liên kết giữa người sản xuất với người nông dân".

 

Ứng dụng công nghệ cao để tái cơ cấu nông nghiệp - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Công Đỉnh

 

"Vậy mục tiêu đặt ra làm thế nào để phát triển được nền nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Trên quy mô sản xuất hàng hóa lớn, làm thay đổi tập quán kinh tế của người dân và từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến. Theo tôi mục tiêu trên chỉ có thể làm được nếu doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao với vai trò trung tâm, bên cạnh họ là nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông" – đại biểu Lê Công Đỉnh khẳng định.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng đề nghị cần tạo môi trường và chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ: "Chính phủ và chính quyền các cấp phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch. Đồng thời cần có sự cam kết đồng hành cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của chính quyền".

Muốn cạnh tranh hiệu quả trên những thị trường này còn phụ thuộc vào khả năng của người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp sản phẩm một cách đáng tin cậy với chất lượng ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm và bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Những cơ hội lớn trong nền nông nghiệp Việt Nam sẽ xuất hiện cả trên thị trường trong nước và quốc tế và việc ứng dụng công nghệ cao được coi là giải pháp hiện thực hóa những cơ hội này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước