Trục lợi bảo hiểm y tế: Có dấu hiệu tiếp tay từ cán bộ cơ sở y tế

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 04/03/2017 13:45 GMT+7

VTV.vn - Đây là nhận định được ông Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này.

Thống kê trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) từ tháng 7/2016 đến tháng 2/2017, trong 8 tháng qua có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng, tổng số lần khám của những trường hợp này là 15.758.388, trong đó có trên 83 nghìn người khám, chữa bệnh hàng tuần, hay có trường hợp bệnh nhân khám tới 800 lần trong 3 tháng tại Thái Bình... Rõ ràng, trục lợi bảo hiểm y tế đang có hàng ngàn cách khác nhau để thực hiện.

Đánh giá về hiện trạng này, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế đã diễn ra trong thời gian vừa qua.

"Có những người bệnh dùng thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh quá nhiều lần, ở đây chúng tôi muốn nói tới việc trục lợi bảo hiểm y tế, lấy thuốc" - ông Lê Văn Phúc cho biết - "Theo thống kê, việc đi khám nhiều lần để lấy số lượng thuốc lớn không phải dùng chữa bệnh cho bản thân mà dùng vào mục đích khác. Chúng tôi đã cho kiểm tra, giám sát".

"Ngoài ra, lợi dụng chính sách thông tuyến của Nhà nước, một số cơ sở khám chữa bệnh còn đưa đón, tặng quà khuyến mại người bệnh khi đến khám. Những câu chuyện này chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Thậm chí, có địa phương còn dùng cả xe để đưa đón bệnh nhân. Những bệnh nhân này tới bệnh viện không khám chữa bệnh mà chỉ để kiểm tra sức khỏe và việc đó quỹ bảo hiểm y tế chưa thanh toán".

Đồng quan điểm với ông Lê Văn Phúc, ông Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần có sự điều tra rõ ràng về tình hình trục lợi bảo hiểm y tế hiện nay.

"Thực tế, trong một vài năm nay, tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế đã diễn ra trên nhiều khía cạnh, từ bệnh nhân tới cơ sở y tế, nhiều chỗ còn có cả sự hợp tác giữa bệnh nhân và cơ sở y tế. Đây là thực tế nhưng để kiểm soát tình trạng này cần có biện pháp kỹ thuật kết hợp với tuyên truyền để người dân hiểu, phải chỉ đích danh các cơ sở và từng người lạm dụng bảo hiểm y tế".

"Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định trong hơn 70 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, số người lạm dụng rất ít. Theo thống kê của BHXH Việt nam, những người đi khám nhiều lần chỉ có vài trăm người, không phải nhiều. Đây là những người rất đặc biệt và có lẽ ở đây có sự tiếp tay của cán bộ cơ sở y tế. Tôi cho rằng BHXH Việt Nam nên đến tận các cơ sở y tế để kiểm tra bệnh nhân có đến khám không hay cơ sở y tế có lấy thẻ BHYT của bệnh nhân, cần điều tra và tìm hiểu thực tế như thế nào".

Một vấn đề được các khách mời cùng đưa ra là cần có chế tài để xử phạt những hành vi trục lợi bảo hiểm y tế. "Hiện nay, chế tài mới dừng lại ở từ chối thanh toán hoặc không thanh toán. Những trường hợp bị phát hiện trục lợi từ bảo hiểm y tế như làm khống hồ sơ, không có bệnh nhân kê đơn... thì sẽ chuyển sang cơ quan điều tra. Thực tế, đối với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam, chúng tôi chỉ có chức năng là kiểm tra, giám định chứ chưa có chức năng thanh tra chi bảo hiểm y tế. Nếu sau này được Chính phủ cho phép chức năng thanh tra thì việc xử phạt sẽ mạnh mẽ hơn và chắc chắn, với chế tài mạnh mẽ thì sẽ có tính răn đe cho cả cơ sở y tế và người sử dụng thẻ bảo hiểm", ông Lê Văn Phúc cho biết.

Thực tế cho thấy, trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam đang được xem như một vấn nạn khi tình trạng này đang gia tăng và phổ biển với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Quỹ bảo hiểm y tế đang bị bội chi và âm quỹ trầm trọng. Trong khi đây lại là một quỹ mang tính phúc lợi xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, không vì mục đích lợi nhuận. Thật đáng buồn khi loại quỹ nhân văn này lại đang bị trục lợi bất chấp sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước