Bệnh nhi đầu tiên ghép khí quản từ tế bào gốc

Hương Linh, icon
10:05 ngày 03/05/2013

Bệnh viện Nhi Illinois tại Mỹ mới đây đã cấy ghép thành công khí quản từ tế bào gốc cho một bé gái 2 tuổi.

Bé gái tên Hannah Warren 2 tuổi, chào đời vào năm 2010 tại Hàn Quốc mà không có khí quản. Từ đó đến nay, bé không thể tự thở, ăn, uống hay nuốt được. Và thật may mắn, mới đây, với sự giúp đỡ của các bác sĩ thuộc Bệnh viện Nhi Illinois tại Mỹ, bé Hannah đã trở thành bệnh nhân nhi đầu tiên trên thế giới trải qua đợt cấy ghép thành công khí quản từ tế bào gốc.

Bác sĩ Richard Pearl cùng nhóm các chuyên gia phẫu thuật ở bệnh viện nhi Illinois (Mỹ) đã tiến hành cấy ghép khí quản mới cho cô bé Hannah Warren, 2 tuổi, bằng cách sử dụng một ống nhỏ màu trắng và sử dụng tế bào gốc của chính bệnh nhân. Đây là lần đầu tiên một ca phẫu thuật cấy ghép khí quản từ tế bào gốc trên một bệnh nhi nhỏ tuổi như vậy được tiến hành.

‘ Bé Hannah Warren và gia đình. (Ảnh: Abcnews)

Tiến sĩ Richard Pearl, bác sĩ Phẫu thuật cho biết: “Cuộc phẫu thuật này có thể là tương lai của ngành cấy ghép nội tạng. Nó mở ra một chương mới trong ngành y”.

Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công. Hiện cô bé Hannah đã có thể tự thở. Tuy chưa thể ăn uống bình thường nhưng các bác sĩ đã cho bé Hannah nếm thử những hương vị đầu tiên bằng cách ăn kẹo mút. Các bác sĩ cho biết sẽ mất một vài tháng để bé Hannah phục hồi các chức năng cơ bản như nhai và nuốt.

Tiến sĩ Mark Holterman, Bác sĩ Phẫu thuật chia sẻ: “Chúng tôi cần dạy cô bé cách nuốt và uống nước cũng như tiến hành các bài tập trị liệu”.

Cha mẹ của Hannah cho biết họ rất hạnh phúc khi cô con gái nhỏ có thể bắt đầu một cuộc sống mới cùng với gia đình.

Anh Darryl Warren, Cha bé Hannah nói: “Thật tuyệt vời khi cuối cùng gia đình 4 người chúng tôi có thể bắt đầu cuộc sống mới cùng nhau”.

Theo thống kê, trong số 50.000 trẻ trên toàn thế giới thì có một trẻ sinh ra với khuyết tật tương tự như của bé Hannah. Kỹ thuật ghép tế bào gốc đã được sử dụng để tạo ra các bộ phận khác của cơ thể. Trong tương lai, kỹ thuật này hứa hẹn có thể điều trị dị tật bẩm sinh khác và các bệnh trẻ em.

Cùng chuyên mục