Các nước cấm và hạn chế hút thuốc lá như thế nào?

Nguyễn Mai, icon
07:10 ngày 31/05/2019

VTV.vn - Với 1.1 tỷ người hút thuốc lá được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã có những biện pháp cấm và hạn chế thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định khắt khe trong việc kiểm soát tiêu thụ thuốc lá

Mỹ là quốc gia có tỷ lệ số người hút thuốc lá trong độ tuổi thanh thiếu niên rất cao, chính vì vậy để hạn chế con số ấy tăng lên từng ngày, Chính phủ Mỹ đã ban hành luật cấm bán thuốc lá cho người dưới 21 tuổi. Trước đó Mỹ cũng đã ban hành quy định chỉ những người trên 18 tuổi mới được mua thuốc lá. Ngoài việc cấm bán thuốc cho người dưới 21 tuổi, rất nhiều tiểu bang của Mỹ cũng ra lệnh không hút thuốc lá tại những nơi công cộng, thậm chí là mọi khu vực trong tiểu bang. Điều này đã giúp nâng cao ý thức về thuốc lá và phần nào ngăn chặn được sự nguy hiểm âm thầm của thuốc lá tới cộng đồng.

Singapore đã ra lệnh cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng như xe buýt, nhà vệ sinh công cộng, trung tâm mua sắm từ những năm 1970. Một thời gian sau luật cấm này đã được mở rộng hơn tới các địa điểm giải trí như quán bar, nhà hàng… và chính chủ những địa điểm này phải có trách nhiệm đối với việc không hút thuốc lá của khách hàng. Ở Singapore, chỉ những nơi có treo biển báo được phép hút thuốc lá thì bạn mới có thể thoải mái hút thuốc. Tuy nhiên nếu bị phát hiện vi phạm hút thuốc lá tại khu vực cấm, bạn có thể bị phạt từ 200 đến 1.000 đô la Singapore và bị kết án tại tòa.

Nhật Bản cấm hút thuốc lá nơi công cộng từ năm 2004 và bệnh viện, trường học là những nơi bị cấm triệt để. Chính phủ Nhật đánh thuế cao đối với thuốc lá và khuyến khích người hút thuốc nên chọn những loại thuốc có hàm lượng nicotin thấp. Mỗi loại thuốc lá tại Nhật Bản đều có giá bán như nhau tại mọi địa điểm và có giá cực kỳ cao, hơn 460 yên, tương đương 90.000 đồng/gói, đặc biệt mua nhiều không được giảm giá. Những chiếc máy bán thuốc tự động xuất hiện khá nhiều tại Nhật. Tuy nhiên, để có thể mua thuốc lá tại đây, bạn phải có thẻ chứng nhận đã đủ 20 tuổi và nếu vi phạm có thể bị bắt và phạt tiền lên tới 10.000 yên, tức khoảng 2 triệu đồng.

Australia là một trong số các quốc gia có lệnh cấm hút thuốc lá nghiêm ngặt nhất thế giới. Hầu như mọi bang và vùng lãnh thổ của Australia đã ban hành lệnh cấm hút thuốc trong xe khi có trẻ em, nơi công cộng và nhà hàng cũng bị cấm. Một số hội đồng địa phương cũng ban hành lệnh cấm hút thuốc trên các bãi biển và sân thể thao với số tiền phạt lớn.

Cộng hòa Ireland là nước đầu tiên trên thế giới ban hành một luật lệ chống hút thuốc hoàn toàn vào năm 2004 và sau đó Scotland là quốc gia đầu tiên trong Liên hiệp Vương quốc Anh thực hiện theo đạo luật giống như Ireland. Hút thuốc tại nơi làm việc ở Ireland có thể bị phạt lên tới 3.347 USD, tương đương khoảng 73 triệu đồng. Quốc gia này ban hành lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng trên toàn quốc từ năm 2007. Lệnh cấm này bao gồm các nơi như quán bar, nhà hàng, đã đặt dấu chấm hết cho đất nước từng được mệnh danh là thiên đường cuối cùng cho những người hút thuốc ở châu Âu. Từ ngày 1/1/2006, hút thuốc lá bị cấm ở những nơi làm việc khép kín và chỉ được phép hút thuốc lá ở những nơi thông thoáng và dành riêng. Hút thuốc lá chỉ được phép tại các nhà hàng ăn uống - nơi có các phòng riêng tách rời hoàn toàn với nhà hàng, và ở những nơi không phục vụ các món ăn. Các quán bar và cà phê không bị cấm hút thuốc lá nhưng tại nơi này cần có đủ độ thông thoáng.

Bhutan được biết đến như là quốc gia đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm hút thuốc hoàn toàn tại tất cả mọi nơi và dưới mọi hình thức, từ ngày 17/12/2004. Quốc gia hòa bình mang đậm sắc thái Phật giáo cùng với đó mọi chỉ số phát triển đều hướng tới con người và thiên nhiên. Thậm chí tại Bhutan, thuốc lá không được trồng và thống kê chỉ có 1% dân số hút thuốc. Người nước ngoài tới đây vẫn có thể hút thuốc lá và nhập thuốc lá từ bên ngoài nhưng chính quyền không cho phép họ buôn bán. Để mang thuốc lá vào quốc gia này, bạn sẽ phải đội thêm khoản thuế nhập khẩu 100%. Nếu là người dân bị bắt gặp hút thuốc sẽ bị phạt số tiền lên tới 225 USD, tức là gần 5 triệu đồng hoặc hơn thế…

Để hướng tới việc giảm số người nghiện thuốc lá, WHO kêu gọi các nước thực thi sớm hơn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO FCTC) - bản chiến lược đề ra bước đi thực tế về cách thức thực thi biện pháp kiềm chế thuốc lá gắn với tất cả các khu vực của chính phủ. Cùng với đó, WHO đưa ra lời khuyên không bao giờ là quá muộn để từ bỏ thuốc là, bởi chức năng của phổi sẽ được cải thiện rõ rệt sau hai tuần ngừng hút thuốc lá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục