Kỹ năng sơ cứu tai nạn thương tích cho trẻ em

Hải sự, icon
10:21 ngày 03/02/2013

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thương tích ngay tại chỗ nếu được thực hiện đúng cách có thể hạn chế được thương tật cho trẻ nhỏ sau này.

Những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn cho trẻ nhỏ cần được quan tâm một cách triệt để. (Ảnh: hcm.edu.vn)

Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn và không được sơ cấp cứu kịp thời đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc sơ cứu cho trẻ không đúng cách của người lớn cũng gây ra những ảnh hưởng đối với vết thương và sức khỏe của trẻ.

Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên Hải Sự với chị Nguyễn Thị Y Duyên, Chuyên gia Bảo vệ trẻ em, Văn phòng UNICEF tại Việt Nam về các kỹ năng sơ cứu cho trẻ khi tai nạn xảy ra.

PV: Chị có thể đưa ra cảnh báo gì về những nguy cơ có thể xảy ra tại nạn thương tích đối với trẻ em?

Chị Nguyễn Thị Y Duyên: Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong tai nạn thương tích ở trẻ em từ 4 – 15 tuổi. Tiếp đến, tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân gây tử vong cao trong tai nạn thương tích ở trẻ em 10 tuổi trở lên.

Nhóm dưới 4 – 5 tuổi thường gặp những tai nạn trong nhà ví dụ như: điện giật, bỏng, ngộ độc và những vết cắt do vật sắc nhọn. Đó là những tai nạn thương tích thường gặp nhất ở Việt Nam.

PV: Thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn thương tích mà các bác sĩ đều cảm thấy rất đáng tiếc rằng các bậc cha mẹ đang thiếu những kỹ năng sơ cứu ban đầu cho trẻ em, dẫn đến việc khi đưa trẻ vào bệnh viện thì thương tích đã rất nặng.

Chị có thể đưa ra những lời khuyên cũng như những kiến thức gì để các bậc cha mẹ có thể trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu tai nạn thương tích cho trẻ tại nhà hay trên đường không?

Chị Nguyễn Thị Y Duyên: Khi cha mẹ không ngăn được trẻ tiếp xúc gần với yếu tố nguy cơ, không ngăn được vụ tai nạn xảy ra thì phải làm giảm những hậu quả của những thương tích đó bằng sơ cấp cứu đúng cách và phục hồi chức năng sau này.

Ngay cả bố mẹ cũng cần có những kiến thức về sơ cấp cứu. Ví dụ khi trẻ bị bỏng, tay bị nhúng vào nước sôi, bát bột, bát canh… thì cha mẹ đừng bôi bất cứ thứ gì lên vết thương như quan niệm, mà nên ngâm vùng bỏng của trẻ vào trong một bát nước hoặc chậu nước mát, trong vòng 15 – 20 phút, như vậy mới đảm bảo vết bỏng không bị quá sâu.

Kiến thức về mặt chuyên môn không phải bậc cha mẹ nào cũng biết. Nếu sơ cấp cứu cho trẻ không đúng cách cũng sẽ gây hậu quả như sẹo, biến dạng, co rút tay chân… rất ảnh hưởng tới tương lai của trẻ sau này.

PV: Nhiều năm qua đã có rất nhiều tài liệu hướng dẫn các bậc cha mẹ những kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. Chị thấy thông điệp nào là quan trọng nhất trong việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, dành cho các bậc cha mẹ?

Chị Nguyễn Thị Y Duyên: Chúng tôi vẫn muốn nhắc đi nhắc lại về ý thức của các bậc cha mẹ trong việc trông nom, chăm sóc con cái.

Nhiều khi cha mẹ có lý do: chúng tôi bận rộn quá, chúng tôi không có thời gian để lo lắng cho con em mình “thôi để nó tự lo”, hoặc “đứt tay một tí có sao đâu, rồi nó sẽ tự lành, đứa trẻ nào cũng phải trải qua điều đó mới lớn được”.

Tuy nhiên, đó là khi cha mẹ nghĩ đến những tai nạn thương tích rất nhẹ, nhưng lại không nghĩ đôi khi tai nạn thương tích không chỉ nhẹ như thế.

Những tai nạn hi hữu có thể không xảy ra với người này người kia nhưng lại rất có thể xảy ra đối với con mình, dù tỷ lệ không quá nhiều nhưng nếu xảy ra thì cũng rất đau xót cho gia đình.

Ví dụ cha mẹ lấy lý do: không trông con vì bận làm đồng, nhưng thay vì lý do đó có thể làm một chắn cửa để trẻ dưới 3 tuổi không bò ra ngoài gặp lu nước, bể nước hay ao hồ… rất nguy hiểm.

Đôi khi những biện pháp rất đơn giản và không tốn kém lại có thể cứu được sinh mạng của con mình, hoặc giúp con em mình tránh được những tàn tật sau này. Cha mẹ hãy dành một chút thời gian, một chút kinh phí không nhiều để có thể tạo môi trường an toàn cho con em mình.

PV: Cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện và chia sẻ những thông tin rất bổ ích dành cho các bậc cha mẹ.

Cùng chuyên mục