Khủng bố Brussels - hậu quả từ những sai sót khó tin của châu Âu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 26/03/2016 12:49 GMT+7

VTV.vn - Tại sao Bỉ đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã cảnh báo nhưng vẫn bỏ lọt nghi can khủng bố trong loạt vụ đánh bom đẫm máu tại Brussels ngày 22/3?

Thủ đô Brussels, Bỉ luôn được đặt trong tình trạng báo động cao sau các vụ khủng bố tại Paris, Pháp năm ngoái nhưng nghi phạm chính lại bị bỏ lọt ngoài tầm ngắm của các cơ quan chống khủng bố Bỉ. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng cảnh báo Bỉ rằng tên Ibrahim el-Bakraoui là tay súng nguy hiểm sau khi Ankara bắt giữ và trục xuất tên này tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, cảnh báo này đã không được các nhà chức trách Bỉ để tâm. Tên Ibrahim el-Bakraoui và em trai Khalid cũng từng bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Nhưng ở Bỉ, hai đối tượng này chỉ được biết đến là những tội phạm thông thường.

Vào ngày 22/3, hai anh em nhà el-Bakraoui cùng đồng bọn đã thực hiện loạt vụ tấn công đẫm máu ở Brussels khiến 31 người thiệt mạng và 300 người khác bị thương. Trong lá đơn xin từ chức, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết ông hiểu đang có những câu hỏi cần giải đáp như vì sao nhà chức trách Bỉ đã bỏ lỡ cơ hội bắt giữ tên khủng bố khi hắn còn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ? Hoặc vì sao Bỉ - nơi đặt trụ sở của các đối tác quốc tế gồm cả Mỹ tham gia NATO - lại không biết đến những đối tượng khủng bố châu Âu mà Mỹ đang theo dõi?

Rõ ràng ở đây có một sự thất bại khi các bên không chia sẻ thông tin tình báo để ngăn chặn kế hoạch khủng bố.


Ba kẻ nghi phạm gây ra vụ khủng bố tại Brussels đã bị cơ quan chống khủng bố của Bỉ bỏ sót

Ba kẻ nghi phạm gây ra vụ khủng bố tại Brussels đã bị cơ quan chống khủng bố của Bỉ bỏ sót

Có mặt trường quay Vấn đề hôm nay ngày 25/3, Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao cho rằng, sau những vụ đánh bom ở London (2007) và Madrid (2004), đáng ra châu Âu cần nhìn lại về vấn đề khủng bố.

“Châu Âu đã không có sự thay đổi khi mà việc ngăn chặn tội phạm khủng bố là cực kỳ khó. Tôi phạm khủng bố phải có quy trình giám sát cực kỳ chặt chẽ. Bên cạnh đó, châu Âu cũng còn lỗ hổng trong việc giám sát phương tiện khủng bố bởi các loại vũ khí có thể mua bán tương đối dễ dàng tại châu Âu” – ông Đỗ Sơn Hải đánh giá.

Tại cuộc họp mới nhất, các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp EU đã nhất trí sẽ chia sẻ thông tin tình báo về khủng bố cho nhau. Đây là bước đi cần thiết, nhưng không dễ dàng tại châu Âu - nơi vẫn còn sự nghi kị giữa các nước và một bộ máy hợp tác khá cồng kềnh.

Nói về những khó khăn trong hợp tác chống khủng bố nội khối, tiến sĩ Đỗ Sơn Hải cho biết: “Trước kia, sự chia sẻ thông tin giữa các nước châu Âu là không có hoặc nếu có thì cũng quá ít. Mỗi bên đều giữ kín những thông tin được coi là quan trọng. Nếu coi chống khủng bố là công việc của tất cả thì việc chia sẻ ở cấp cao vẫn là vấn để nhức nhối trong cuộc chiến chống khủng bố. Châu Âu cần xem lại quy trình chống khủng bố từ bước đầu tiên bởi hiện nay công tác này vẫn còn lỗ hổng”.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước