Vì sao Mark Zuckerberg vẫn "dửng dưng" trước làn sóng tẩy chay Facebook?

Quang Duy (Business Insider, Channel News Asia)-Thứ năm, ngày 02/07/2020 19:16 GMT+7

Người biểu tình phản đối Mark Zuckerberg bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ tháng 4/2018 - Ảnh: Reuters

VTV.vn - Mark Zuckerberg cho thấy Facebook sẽ không thay đổi gì nhiều cho dù phải đối mặt với làn sóng tẩy chay lớn nhất từ trước đến nay đến từ các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Facebook "dửng dưng" trước làn sóng tẩy chay

Trong cuộc họp trực tuyến cuối tuần trước với các nhân viên của Facebook, nhà sáng lập Mark Zuckerberg khẳng định, mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ không thay đổi cách tiếp cận đối với các phát ngôn thù ghét cho dù đang chịu sức ép rất lớn từ các đối tác quảng cáo.

"Chúng ta sẽ không thay đổi chính sách hoặc cách tiếp cận chỉ vì bị đe dọa sẽ mất đi một phần nhỏ, hoặc bất cứ một phần doanh thu nào" - Mark Zuckerberg phát biểu trước các nhân viên.

CEO Facebook nói thêm: "Tôi đoán là tất cả các nhà quảng cáo này sẽ sớm quay trở lại nền tảng của chúng ta mà thôi".

Theo tờ The Information, người đứng đầu Facebook cho rằng, việc tẩy chay này "liên quan đến danh tiếng và vấn đề của đối tác" chứ không gây ra khó khăn tài chính lớn với Facebook. Hiện tại, đa phần doanh thu của Facebook đến từ các nhóm doanh nghiệp nhỏ mà không phải từ các thương hiệu lớn.

Vì sao Mark Zuckerberg vẫn dửng dưng trước làn sóng tẩy chay Facebook? - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tháng 4/2018 - Ảnh AFP

Chiến dịch tẩy chay "Stop Hate for Profit"

Đầu tháng này, tổ chức "Liên đoàn chống phỉ báng" cùng với tổ chức "Sắc màu của sự thay đổi" - hai tổ chức xã hội tại Mỹ - đã phát động chiến dịch "Stop Hate for Profit", tạm dịch là "Ngừng kiếm lời từ sự thù địch".

Chiến dịch kêu gọi các nhà quảng cáo ngừng hợp tác với Facebook khi cho rằng mạng xã hội này không có biện pháp quản lý, ngăn chặn để các thông tin sai lệch và ngôn ngữ thù địch được lan truyền tự do trên nền tảng.

Các nhà hoạt động cho rằng, Facebook tạo điều kiện cho những thông tin, những phát ngôn gây tranh cãi này được lan truyền, từ đó kích động bạo lực.

Chiến dịch tẩy chay yêu cầu Facebook xóa bỏ các nhóm chuyên lan truyền các thông điệp thù ghét, thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu. Các nhà hoạt động xã hội kêu gọi Facebook phải có cơ chế hỗ trợ các nạn nhân hứng chịu sự thù ghét, bị lạm dụng. Các nạn nhân sẽ được hỗ trợ tố cáo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền đề nhanh chóng bảo vệ quyền lợi cho họ.

Hơn 500 công ty, bao gồm nhiều thương hiệu lớn như Coca-Cola, Ford, Starbucks, Verizon, Adidas và Unilever, đều tuyên bố tạm dừng quảng cáo trên Facebook và thậm chí là trên mạng xã hội nói chung.

Vì sao Mark Zuckerberg vẫn dửng dưng trước làn sóng tẩy chay Facebook? - Ảnh 2.

Hơn 500 nhãn hàng tham gia chiến dịch Stop hate for profit nhằm vào Facebook - Ảnh Getty

Sự thỏa hiệp trong giới hạn của Facebook

Facebook cảm nhận rõ ràng sức ép từ làn sóng tẩy chay lần này. Giá trị thị trường của ông lớn mạng xã hội đã bị thổi bay 60 tỷ USD trong vỏn vẹn hai ngày sau khi thông tin về chiến dịch tẩy chay xuất hiện dày đặc trên các mặt báo.

Ngay sau đó, CEO Mark Zuckerberg đăng đàn, tuyên bố sẽ gắn nhãn cảnh báo những bài đăng vi phạm chính sách của mạng xã hội. Các bài đăng "mang tính tin tức" từ các chính trị gia nhưng vi phạm các chính sách về ngôn ngữ thù hằn sẽ bị gắn nhãn cảnh báo.

Nhiều ý kiến phản đối cho rằng, gắn cảnh báo thôi là chưa đủ, Facebook cần phải xóa triệt để các bài đăng có nội dung kích động, vi phạm chính sách của hãng. Theo luật pháp Mỹ hiện nay, Facebook có quyền kiểm duyệt nội dung bài đăng của người dùng. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg từ lâu đã nhấn mạnh quan điểm về sự cần thiết khi để cho các ý kiến trái chiều, các quan điểm xúc phạm tồn tại trên mạng xã hội này.

Theo ông chủ Facebook, những thông tin, quan điểm này tồn tại xen lẫn với những luồng thông tin chính thức sẽ tạo ra chủ đề đa dạng để người dùng thảo luận, ủng hộ hoặc lên án, từ đó người dùng tự đánh giá nguồn phát của thông tin, có thể là một người, một cơ quan hoặc một tổ chức nào đó.

Vì sao Mark Zuckerberg vẫn dửng dưng trước làn sóng tẩy chay Facebook? - Ảnh 3.

Facebook giữ quan điểm hạn chế can thiệp vào nội dung đăng tải của người dùng - Ảnh: Reuters

Zuckerberg nhấn mạnh, Facebook chỉ can thiệp nếu nội dung đó là cực đoan. Vị CEO cho biết, mạng xã hội này sẽ không chấp nhận những quan điểm dẫn tới bạo lực, ngăn chặn các quyền hợp pháp của con người, cho dù đó là quan điểm của các chính trị gia.

Zuckerberg từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, bảo vệ quyền tự do phát ngôn trên Facebook là một trong những giá trị then chốt của mạng xã hội này. Gắn cảnh báo bài đăng chính là sự thỏa hiệp trong giới hạn của vị tỷ phú trẻ. Còn đi xa hơn nữa, "nhún mình" hơn nữa thì sẽ còn phải chờ xem phản ứng của ông chủ Facebook trước làn sóng tẩy chay vẫn chưa dừng lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước