Kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Đăng bởi Phúc Trung (Tổng hợp) 0 Bình luận

3 Tháng 7 2013

Kỳ họp thứ 5, QH Khóa XIII làm việc nghiêm túc và trách nhiệm

Theo báo cáo của Đoàn thư ký cuộc họp: Trong một tháng làm việc, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Về kinh tế - xã hội, Quốc hội đã xem xét, thảo luận báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; kết quả thực hiện trong những tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện trong 8 tháng cuối năm 2013; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thu, chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2013. Theo đó, trong năm 2012, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế; nông nghiệp tiếp tục được tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có những chuyển biến tích cực; an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, quốc phòng được tăng cường; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.

Năm 2012, với các giải pháp quyết liệt, thu ngân sách nhà nước đạt 743.190 tỷ đồng, bằng 100,4% dự toán, tăng 2.690 tỷ đồng so dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2012 đạt 905.790 tỷ đồng, bằng 100,3% dự toán, tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán, tăng 1.690 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tương ứng với số tăng thu thêm của ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 được đảm bảo ở mức Quốc hội quyết định là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP kế hoạch, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2013: Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2013 đã có những chuyển biến tích cực. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2013 đạt trên 39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 8, 2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ; tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra.

 Năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013 tình hình kinh tế xã hội có nhiều thuận lợi nhưng không ít khó khăn

 

Về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2013: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 244.100 tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng chi ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 303.400 tỷ đồng, bằng 31% dự toán, bội chi ngân sách nhà nước 4 tháng ước 59.300 tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng gần đây, Chính phủ xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: (1) Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; (2) Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; (3) Triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; (4) Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (5) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; (6) Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Về công tác xây dựng luật, Nghị quyết: Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thảo luận, thông qua 9 luật và 8 Nghị quyết, trong đó có những dự án Luật được nhân dân cả nước quan tâm như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp… Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua 8 Nghị quyết, trong đó có: Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; Nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân… Ngoài ra, các ĐBQH cũng đã đánh giá về kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở đó xem xét, thảo luận kỹ về việc tiếp thu ý kiến nhân dân để chỉnh lý Dự thảo. Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về các dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật đấu thầu (sửa đổi); Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật tiếp công dân; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Việc làm; Luật Đất đai (sửa đổi).

 Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp

 

Về hoạt động giám sát, sau khi nghe Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; các báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội, Quốc hội đã dành thời gian hơn 2 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, tại kỳ họp, có 197 chất vấn của 89 ĐBQH ở 47 Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở tập hợp các nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội; ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội; những vấn đề bức xúc được dư luận và cử tri quan tâm, Quốc hội đã quyết định 4 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn, cụ thể là: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giải trình thêm một số nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, giải trình thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ, của các Bộ trưởng trong triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước; đã cùng với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và đồng bào, cử tri cả nước phấn đấu nỗ lực vượt qua những khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực trong giai đoạn khó khăn chung. Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu đối với các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, cụ thể là: (1) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành và dưới sự chỉ đạo của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ tiến hành các giải pháp cần thiết để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết cả về lượng, cả về chất đảm bảo cho ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững; (2) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần lưu ý một số điểm: Cần làm rõ về các chiến lược, kế hoạch, dự án, chương trình để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao; (3) Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần triển khai thực hiện bốn vấn đề lớn, một là đào tạo nghề, để có công ăn, có việc làm, giảm nghèo và tiến tới có điều kiện để phát triển kinh tế xã hội; hai là hợp tác với nước ngoài để đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài phải đảm bảo thực hiện được luật pháp của Việt Nam, bảo vệ được công dân Việt Nam và thực hiện luật pháp của bạn; ba là tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy thực hiện chính sách đối với người có công; bốn là tích cực triển khai và nghiên cứu để hoàn thiện bổ sung các chương trình giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu, nghèo; (4) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vai trò công tố và kiểm sát tư pháp; xây dựng giám sát đội ngũ làm công tác tư pháp để đảm bảo lực lượng này có năng lực, phẩm chất vững vàng.

Các đại biểu trao đổi bên ngoài nghị trường

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã hứa trước Quốc hội và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ để thực hiện nhiệm vụ mới; miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Đinh Tiến Dũng và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Đinh Tiến Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính; bầu ông Nguyễn Hữu Vạn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Một nội dung quan trọng trong kỳ họp lần này được cử tri quan tâm đó là lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47/49 chức danh người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Có hai người giữ chức vụ (Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính) do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này nên theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được chuẩn bị và triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu được công bố công khai để nhân dân theo dõi, giám sát.

Lần đầu tiên QHtiến hành lấy phiếu tín nhiệm cho 47/49 chức danh do QH bầu và phê chuẩn

 

Cũng tại kỳ họp, một nội dung quan trọng được Quốc hội thảo luận đóng góp ý kiến là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là những nội dung đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai rộng rãi lấy ý kiến nhân dân và đã được Ban soạn thảo xem xét, thảo luận kỹ tiếp thu ý kiến nhân dân để chỉnh lý Dự thảo. Tại các phiên thảo luận tại tổ và trên hội trường, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về tất cả các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục xin ý kiến nhân dân, kịp thời chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sau. Đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Dự thảo được chuẩn bị công phu, đã được công bố lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo như chương trình kỳ họp. Tuy nhiên, qua thảo luận còn nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, do đó Quốc hội cũng đã thống nhất chưa thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này và sẽ trình thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội thông qua nhằm đảm bảo tính thống nhất của luật với Hiến pháp .

Bạn có thắc mắc cần VTV giải đáp, bạn có thông tin cần cung cấp, hoặc chỉ đơn giản là bạn có băn khoăn muốn chia sẻ với chúng tôi, xin sử dụng form dưới đây và gửi nội dung cho Tòa soạn.