Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Trở thành thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM"

VTV News-Thứ tư, ngày 25/10/2017 10:46 GMT+7

VTV.vn - Phát biểu khai mạc Hội nghị Quốc tế về Thành phố Thông minh năm 2017, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định mục tiêu đưa TP.HCM trở thành thành phố thông minh.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định: "Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đóng vai trò là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ thúc đẩy thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực".

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Trở thành thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM - Ảnh 1.

Hội nghị Quốc tế về thành phố thông minh đang diễn ra tại TP.HCM (Ảnh: VTV News)

Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang việc ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, di động, mạng xã hội... để nâng cao năng lực thu thập, chia sẻ và phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý đô thị, kết nối chặt chẽ nhiều lĩnh vực trong các mặt hoạt động của xã hội, phát huy hiệu quả nguồn lực con người, nguồn lực công nghệ để đáp ứng tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, hình thành xu hướng xây dựng các đô thị thông minh. 

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh không thể nằm ngoài xu hướng tiếp cận này.

Trong những năm gần đây, cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, số lượng các thành phố triển khai xây dựng đô thị thông minh ngày càng tăng. Các quốc gia/thành phố đang triển khai xây dựng đô thị thông minh tiêu biểu hiện nay có thể kể đến như: Tháng 11/2014, Singapore công bố kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh; Năm 2014, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ xây dựng đề án 100 thành phố thông minh ở Ấn Độ; Năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc đề ra chiến lược phát triển U-Korea (Ubiquitous Korea), và tháng 6/2011, thủ đô Seoul công bố kế hoạch "Seoul thông minh năm 2015; Năm 2009, công ty IBM và chính quyền thành phố Dubuque (bang Iowa – Mỹ) cùng đưa ra tuyên bố sẽ xây dựng thành phố Dubuque trở thành một thành phố thông minh; Năm 2007, EU đưa ra và bắt đầu thực hiện một loạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh: Kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản lý thông minh, giao thông thông minh, cuộc sống thông minh và con người thông minh ...

Với khát vọng của một thành phố năng động, Thành phố Hồ Chí Minh luôn kỳ vọng sẽ đạt được những bước phát triển đột phá để vươn lên sánh ngang tầm với các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực. Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tổ chức xây dựng Đề án Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh và xác định đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thành phố.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Đề án này sẽ hướng đến bốn mục tiêu: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, quản trị đô thị hiệu quả, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân-phát huy trí tuệ nhân dân; đồng thời được xây dựng trên bốn nguyên tắc đó là: tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn thấu hiểu người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển và huy động mọi nguồn lực tham gia".

Muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn, như dân số đô thị tăng; hạ tầng lạc hậu, quá tải; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng,...Đặc biệt, việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn của thành phố và ngăn chặn không để xảy ra, tránh ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững. Do đó, Thành phố sẽ tập trung thực hiện chiến lược "2 cánh" trong quá trình xây dựng đô thị thông minh: Qui hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững; Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh - Doanh nghiệp thông minh.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Trở thành thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM - Ảnh 3.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định mục tiêu đưa TP.HCM trở thành thành phố thông minh (Ảnh minh họa)

Với mong muốn nhằm mục đích chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, Hội nghị Quốc tế về Thành phố Thông minh năm 2017 đang diễn ra tại TP.HCM sẽ trao đổi những chiến lược, những kinh nghiệm về giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới: Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… 

Đặc biệt, Hội nghị cũng sẽ trao đổi về các chính sách thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam, trực tiếp đưa ra những giải pháp giúp xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trên cả nước, giúp giải quyết các vấn đề cấp thiết đang được các thành phố quan tâm như: quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự, môi trường, y tế, cải cách hành chính,… phục vụ cho đời sống nhân dân, an toàn và an sinh xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của Việt Nam, dân số 8,44 triệu người, chiếm 9,1% tổng số dân cả nước, đóng góp 28,6% trong tổng thu năm 2016 của quốc gia, GDP bình quân năm 2016 đạt 5.122 USD/người, xuất khẩu đạt 31,8 tỷ đô la (18% cả nước). Theo công bố tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 01 năm 2017 tại Thụy Sĩ, Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng là thành phố năng động hàng đầu thế giới.

Với mong muốn phát huy tối đa tiềm năng của thành phố, trong nhiều năm qua, Lãnh đạo các cấp đã đặt mục tiêu cho Thành phố Hồ Chí Minh phải phấn đấu vươn lên ngang tầm với các đô thị lớn của các quốc gia trong khu vực. Nghị quyết số 16 ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị đã định hướng "Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam á". Tuy nhiên, đến nay tốc độ phát triển đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn chậm và khoảng cách "hiện đại hóa đô thị" so với các thành phố lớn trong khu vực vẫn còn khiêm tốn.


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước