Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Điểm nhấn trên các báo sáng 5/11

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 05/11/2015 10:15 GMT+7

VTV.vn - Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là thông tin đáng chú ý trong điểm báo nhanh sáng nay (5/11).

Hôm nay (5/11), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ đến thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Nhân dịp này, báo Nhân dânbáo Quân đội Nhân dân đã có bài xã luận về chủ đề này.

Theo hai bài xã luận trên báo Nhân dân và Quân đội Nhân dân, kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tuy còn những khó khăn nhưng về tổng thể, vẫn phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Tuy nhiên, diễn biến trên Biển Ðông vẫn còn phức tạp, nhất là việc Trung Quốc tôn tạo bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa khiến dư luận Việt Nam và cả cộng đồng quốc tế quan ngại.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng. Nhân dịp này, Việt Nam khẳng định kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; nhất quán coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, thực chất với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; duy trì trao đổi cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng, cùng duy trì xu thế hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Còn trên báo Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi cho rằng, phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện là lợi ích chung của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc. Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, vấn đề tồn tại lớn nhất giữa hai nước là những bất đồng tại Biển Đông. Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng và hệ trọng đối với quốc gia, dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để giữ gìn và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Chúng ta cũng luôn muốn cùng Trung Quốc giải quyết thoả đáng các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của hai Đảng, hai nước, vì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

"Tăng trưởng duy trì ổn định" là nhận định trong Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng HSBC và được tờ Thời báo kinh tế Việt Nam phản ánh trong bài viết số ra ngày hôm nay (5/11). Theo đó, Báo cáo của Ngân hàng HSBC cho rằng, lạm phát sẽ quay đầu trong những tháng tới và sẽ tăng trở lại ở mức 3,3% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ. Trong khi các lĩnh vực bên ngoài vẫn chịu nhiều khó khăn, các hoạt động trong nước cũng đang dần phục hồi. Điều này một phần là nhờ tăng trưởng tín dụng phục hồi ổn định khi các ngân hàng gia tăng hoạt động cho vay từ nay đến cuối năm.

"Tiết kiệm" đang là cụm từ được nhắc tới nhiều trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn. Và một trong các biện pháp để tiết kiệm chi được nhiều Đại biểu nhắc tới là khoán xe công. Báo Lao Động hôm nay (5/11) có bài viết, Khoán xe công đến cấp Thứ trưởng: Mỗi năm tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện diện tích chuối chiếm gần 20% diện tích cây trái cả nước, với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện chúng ta mới xuất khẩu được khoảng 3.000 - 4.000 tấn chuối/năm. Và "Mất tiền tỷ vì thiếu chuối xuất khẩu" là câu chuyện được Báo Nông thôn ngày nay đề cập tới số ra hôm nay (5/11).

Theo tờ báo này, nguyên nhân là do sản phẩm chuối của nước ta không đáp ứng được về mặt kích cỡ, độ đồng đều trên từng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác. Như ở Hưng Yên, hiện có khoảng gần 10 doanh nghiệp lớn gom chuối xuất khẩu. Mặc dù đơn hàng đến nườm nượp nhưng các doanh nghiệp đều phải từ chối, bởi đã nhiều lần phải bất lực vì ký hợp đồng nhưng không đủ đơn hàng cho đối tác. Đây cũng đang là thực tế tại nhiều địa phương khác.

Còn thị trường bất động sản Hà Nội cuối năm đang nhộn nhịp việc mua đi bán lại các căn hộ tái định cư. Điều đáng bàn là tại nhiều dự án tái định cư tiềm năng, dù mới lên danh sách hộ dân được mua nhà nhưng các sàn bất động sản không hiểu lấy nguồn từ đâu đã nắm bắt thông tin, mua lại giá rẻ rồi bán đi với giá tương đương một căn hộ thương mại để kiếm lời.

Báo Kinh tế và Đô thị ngày hôm nay (5/11) có bài viết với nhan đề: "Ai" thao túng quỹ nhà tái định cư? Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, ở đây có thể có sự hỗ trợ nhịp nhàng đôi bên cùng có lợi giữa các đầu nậu này với Ban Quản lý dự án.

Báo Tuổi trẻ đã đề cập tới chủ đề "Vì sao du học sinh không về" trong số ra ngày hôm nay (5/11) và đây cũng là câu hỏi đã từng làm nóng diễn đàn Quốc hội ít ngày trước đây. Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận: Nói về chính sách thu hút của ta hiện tại thì không những không đủ mạnh mà còn rất kém. Nói chung là tôn trọng tài năng nhưng cơ chế và quy trình, thủ tục của ta về nhân sự hiện nay không đáp ứng được yêu cầu đó.

Tuy nhiên, Giáo sư Đào Trọng Thi cũng cho rằng, không nên tư duy "mì ăn liền" trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao, đi học xong là phải về phục vụ đất nước ngay. Nhiều người làm việc một thời gian ở nước ngoài thì sẽ tốt hơn. Vì qua đó họ tích lũy thêm kinh nghiệm và phát triển năng lực của mình, rồi sau đó nếu họ quay về sẽ mang theo những tri thức mới nhất, có khả năng áp dụng vào thực tiễn ngay đóng góp cho đất nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước