Đằng sau tai nạn chọi trâu ở Hải Phòng

Sơn Hà - Thanh Long (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 05/07/2017 09:08 GMT+7

VTV.vn - Sau vụ việc chủ trâu chọi bị trâu húc thiệt mạng, dư luận đang đặt câu hỏi: Không biết giá trị của lễ hội truyền thống gần 1000 năm tuổi thực sự có còn được lưu giữ?

Những ngày qua, vụ việc chủ trâu chọi bị trâu húc thiệt mạng trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Tai nạn chết người này đặt ra dấu hỏi đối với công tác quản lý một lễ hội, vốn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thế nhưng điều quan trọng hơn, dư luận đang đặt câu hỏi: Không biết giá trị của lễ hội truyền thống gần 1000 năm tuổi này thực sự có còn được lưu giữ khi mà ngay trong công tác tổ chức đã có nhiều dấu hiệu thương mại hóa.

Tại Phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, sau 3 ngày xảy ra tai nạn, những chủ trâu nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Cả 1000 năm nay từ khi có lễ hội, chưa bao giờ có việc trâu chọi húc chủ như vậy.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, trâu chọi húc chủ đã bị giết. Lễ hội tạm dừng để các cơ quan chức năng kiểm điểm quá trình tổ chức. Gia đình người bị nạn lo hậu sự. Đau lòng vì mất người thân nhưng họ vẫn không muốn vì thế mà ảnh hưởng đến việc tổ chức lễ hội truyền thống từ đời ông cha để lại.

Người dân nơi đây gắn bó và tự hào về lễ hội chọi trâu bởi lễ hội đã có từ hơn 1000 năm nay, từ thời nhà Lý. Lễ hội gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh. Mùng 9/8 Âm lịch chọi trâu, mùng 10 sẽ giết trâu tế thần. Thịt trâu sau đó được chia đều cho người dân trong vùng, coi như lộc thánh.

Còn chủ trâu vô địch không chỉ vang danh thiên hạ mà được cho là cả năm sẽ thịnh vượng, làm ăn phát đạt, những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió. Lễ hội chọi trâu mang sức sống mãnh liệt của văn hóa lúa nước và văn hóa miền biển. Đây cũng là tinh thần thượng võ của người dân Đồ Sơn.

Ông Đinh Đình Phú, một nhà nghiên cứu lâu năm về Lễ hội chọi trâu cho rằng, lễ hội giờ đây đã không còn nguyên những giá trị văn hóa xưa. Theo quy định mỗi phường chỉ được 4 suất trâu tham gia thi đấu. Ngày càng nhiều người muốn đưa trâu đi thi nên sẽ phải có vòng đấu loại.

Cả một năm ở hội chỉ có 32 trâu được thượng đài. Vài năm nay, chính quyền đã không tổ chức vòng đấu loại. Trâu được vào đấu hay không, theo ông Phú giờ tiền mới là thứ có thể quyết định.

Không rút kinh nghiệm, e rằng lễ hội tuy được coi là di sản văn hóa nhưng sẽ chỉ là hình tướng, là nơi để đặt ra những luật lệ kinh doanh biến tướng, kích thích sự tò mò, hiếu kỳ, hơn thua. Còn cái hồn của lễ hội, là những giá trị văn hóa thực sự của ông cha, sẽ chỉ còn là quá khứ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước