Khoán xe công: Chuyện không đơn giản

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/09/2016 20:02 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí

VTV.vn - Trước đây, Chính phủ đã tiến hành giải pháp khoán xe công để tiết giảm chi chí và quản lý chặt xe công. Tuy nhiên đến nay, giải pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Hiện, cả nước có gần 40.000 xe công. Theo Bộ Tài chính, chi phí để trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu cho số xe công này hàng năm khoảng 320 triệu/xe. Và tổng số kinh phí để nuôi dàn xe này lên tới gần 13.000 tỷ đồng mỗi năm.

Cán bộ được phép dùng xe công để làm việc công vụ. Đây là điều bình thường và đã được quy định rõ, tuy nhiên, những người dân - những người đóng thuế để tạo ngân sách rõ ràng là không hài lòng khi thấy những công bộc của dân lại dùng xe công cho những mục đích cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, trước đây, một số biện pháp quản lý như khoán công cũng đã được Chính phủ tiến hành. Tuy nhiên đến nay, các giải pháp này vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Xe công được ưu tiên, xe công không bị hạn chế, xe công có thể tạo ra vị thế riêng cho người sử dụng là lý do khiến người được giao quyền sử dụng xe công khó có thể từ bỏ vì sự linh hoạt mà nó đem lại. Và đây cũng là nguyên nhân làm cho biện pháp khoán xe công ít nhận được sự hưởng ứng của những người được trao quyền sử dụng.

Trong một lần Quốc hội triển khai khoán xe công, chỉ có 2 người thực hiện đó là nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận và ông Đỗ Mạnh Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và cũng chỉ thực hiện trong một thời gian không dài.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong việc thắt chặt chi tiêu của Chính phủ và với tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ đó là "Chúng ta phải sử dụng có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân", đã có một số dấu hiệu tích cực cho việc quản lý xe công.

Là đầu mối quản lý việc sử dụng xe công, Bộ Tài chính vừa tiên phong áp dụng chế độ khoán xe cho các Thứ trưởng và cấp Tổng cục trưởng. Theo đó, kinh phí hàng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi 4 chỗ phổ biến trên thị trường.

Tại buổi họp báo chiều 27/9 về sửa đổi Luật quản lý tài sản Nhà nước, đại diện Bộ Tài chính nhận định, việc khoán xe công cho các chức danh này không tiết kiệm được nhiều nhưng nó sẽ là tiền đề quan trọng để mở rộng việc khoán xe công tại các bộ, ngành và địa phương trong thời gian tới.

Cùng với Bộ Tài chính, mới đây, Hà Nội cũng đã dự kiến thực hiện khoán xe công từ cuối năm 2016.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước