Quảng Nam: Kéo điện ra đồng làm thủy lợi hóa

Huỳnh Mỹ-Chủ nhật, ngày 31/03/2013 14:15 GMT+7

Đưa điện ra cánh đồng chuyên canh và cây trồng cạn ở xã Duy Phước. (Ảnh: baoquangnam.com.vn)

Thay đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất là hướng đi hiệu quả của bà con nông dân tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình.

Xác định không thể làm giàu nếu cứ trông chờ vào sản xuất lúa, bà con nông dân tại xã Duy Phước đã tiến hành chuyển đổi cây trồng, hướng tới các loại cây trồng đem lại thu nhập cao. Tại địa bàn xã Duy Phước, nhiều cánh đồng chuyên canh rau quả đã hình thành, mang lại cho nông dân nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa.

Có được những thành tựu trên, cũng do hàng trăm ha đất màu đã chủ động được nguồn nước tưới. Những ruộng rau quả cho năng suất cao giờ đây không còn là mơ ước của người nông dân Duy Phước. Từ khi được nhà nước hỗ trợ kéo điện ra đồng, ai cũng phấn khởi khoan giếng, lắp máy bơm, đưa đường ống dẫn nước về tận chân ruộng. Những diện tích trước đây trồng sắn, nguồn nước tưới bấp bệnh hay trồng lúa hiệu quả thấp nay chuyển sang trồng các loại cây thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Có, thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước cho biết: “Từ khi có điện chúng tôi sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều. Khi nhiễm mặn hay hạn hán vẫn có điện để tự chủ nguồn nước tại chỗ phục vụ sản xuất. Lúc hạn hán cả tỉnh Quảng Nam ở đâu cũng không có hàng, chúng tôi có nước nên sản xuất được và sản phẩm lại được giá cao”.

Từ năm 2004 đến nay, bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, xã Duy Phước đã thực hiện thủy lợi hóa đất màu. Xã đã đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng kéo gần 6,5 km đường dây điện ra nhiều cánh đồng ở các thôn Lang Châu Nam, Lang Châu Bắc, Triều Châu, Câu Lâu Đông, tạo điều kiện cho bà con nông dân chủ động nguồn nước tưới cho hơn 460 sào đất màu.

Có nước tưới tới tận ruộng, người dân tại xa có thể sản xuất rau quả trong cả mùa nắng nóng. Trước đây, dù biết rau quả trái vụ luôn được giá nhưng ít người làm được. Trong một thôn chỉ có năm ba hộ khá giả mới có thể bỏ ra 5 – 6 triệu đồng mua máy nổ để có điện bơm nước sản xuất, những gia đình không có điều kiện thì "lực bất tòng tâm".

Ông Lê Đông Sang, thôn Lang Châu Bắc cho biết: “Từ khi có thủy lợi hóa đất màu, người dân mua máy bơm 5 - 6 trăm ngàn cộng thêm 1 triệu tiền kéo dây điện là đã có máy để dùng. Máy bơm mượn qua mượn lại cũng dễ hơn máy nổ, nên đời sống người dân khá lên cũng nhờ thủy lợi hóa đất màu”.

Khi đất màu được thủy lợi hóa, nông dân Duy Phước đã cùng nhau xây dựng vùng chuyên canh, đưa vào canh tác các loại cây có giá trị kinh tế cao theo quy trình kỹ thuật mới, trung bình mỗi năm 1 hecta đất sản xuất theo phương thức này mang lại cho nông dân 150 - 200 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với trước.

Tuy vậy, toàn xã Duy Phước chỉ mới có 16 ha trong tổng số 90 ha đất màu đã chủ động nguồn nước tưới, số còn lại vẫn chưa thực hiện được. Những cánh đồng đất màu đã được thủy lợi hóa như Lang Châu Bắc vẫn là ước ao của rất nhiều nông dân. Bà con nông dân tại những địa phương còn nhiều khó khăn vẫn đang ngày đêm mong chờ sự quan tâm hỗ trợ thực hiện kéo điện ra đồng để thủy lợi hóa những cánh đồng cần nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước