Tháo gỡ vướng mắc về bàn giao phí bảo trì chung cư

Hoàng Nga (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 17/04/2017 22:07 GMT+7

VTV.vn - Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư là đơn vị đứng ra thu tiền bảo trì và phải trao trả lại cho cư dân khi ban quản trị chung cư được thành lập.

Bất cứ một công trình xây dựng nào cũng có thể bị hỏng hóc, xuống cấp, cần phải bảo trì thường xuyên. Đối với nhà chung cư, người dân phải nộp 2% giá trị căn hộ vào quỹ bảo trì. Theo quy định hiện nay, chủ đầu tư là đơn vị đứng ra thu khoản tiền này và phải trao trả lại cho cư dân khi ban quản trị chung cư được thành lập. Thời gian qua, hàng loạt các vụ việc tranh chấp do chủ đầu tư chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì đã liên tiếp diễn ra. Tuy nhiên, vẫn có những chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quy định, tự giác trao trả khoản tiền thu hộ này cho cư dân.

Tại tòa nhà GP Invest ở 170 Đê La Thành, ngay sau khi ban quản trị được thành lập, 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì đã ngay lập tức được chủ đầu tư chuyển vào tài khoản của đại diện cư dân. Cũng tương tự, tại toà nhà Nam Đô, 30 tỷ đồng tiền phí bảo trì cũng được chủ đầu tư bàn giao sòng phẳng.

Thực tế, nếu giữa ban quản trị và chủ đầu tư phối hợp tốt, tòa nhà còn có thể có thêm nguồn thu từ tiền gắn quảng cáo ở thang máy, trông giữ xe. Lúc này, quỹ bảo trì sẽ như là một khoản để dành.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có hơn 600 chung cư đã đi vào hoạt động nhưng hơn một nửa trong số đó vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho người dân quản lý. Mặc dù theo quy định, nếu chủ đầu tư không bàn giao sẽ bị cưỡng chế, phong toả tài khoản.

Theo các chuyên gia, hiện nay chỉ những chủ đầu tư uy tín, có năng lực tài chính tốt là đang thực hiện một cách nghiêm túc. Với sự cạnh tranh lớn như hiện nay, yếu tố bàn giao phí bảo trì sẽ là một trong những yếu tố cân nhắc để quyết định khi khách hàng mua dự án mới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước