Thiệt hại lớn do mưa lũ miền Trung - Tây Nguyên vì còn chủ quan

Đỗ Thủy (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 02/12/2016 14:44 GMT+7

VTV.vn - Sáng 2/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, ứng phó và khắc phục hậu quả tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong tháng 10, 11.

Miền Trung và Tây nguyên đã có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng từ giữa tháng 10 đến nay. Có thời điểm, lượng mưa đo được ở Mai Hóa, Quảng Bình lên tới 949mm, tại Hà Tĩnh là 932mm. Phía Nam Hà Tĩnh và phía Bắc Quảng Bình ngập sâu 4-5m. Những đợt mưa lũ này gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Chỉ tính riêng hai đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11 đã làm 65 người chết và mất tích, hơn 191.000 ngôi nhà bị ngập nước, hơn 22.000 ha hoa màu bị hư hại. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính lên tới gần 7.200 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại còn lớn chủ yếu là do một bộ phận người dân và chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó khi lũ lên nhanh. Trong khi đó, công tác dự báo lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, sự phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và các đô thị đã làm co hẹp lòng dẫn thoát lũ khiến lũ ngập sâu và rút chậm.

Thiệt hại lớn do mưa lũ miền Trung - Tây Nguyên vì còn chủ quan - Ảnh 1.

Mưa lũ tại Quảng Bình tháng 10/2016.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng, một phần cần rút kinh nghiệm là công tác dự báo. Cho đến nay, các thông tin về mưa cực lớn chỉ được biết trước khoảng 6-12 tiếng mà không thể dự báo trước 2-3 ngày dẫn đến lúng túng trong việc cảnh báo.

Bộ Công Thương cho rằng, sẽ rút kinh nghiệm trong việc vận hành xả lũ của các hồ chứa. Ví dụ, với Công ty thủy điện Hồ Bốn đã có thiếu sót trong vận hành xả lũ hồ Hố Hô như: sai sót trong tính toán lưu lượng xả qua tràn và diễn biến vận hành cửa van đập tràn còn sai lệch so với nhật ký vận hành. Công ty thủy điện An Khê Ka Nak có sai sót trong công tác thông báo xả lũ. Thay vì phải thông báo ngay cho Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai bằng fax, máy vi tính hoặc điện thoại trực tiếp, thì công ty lại chỉ thông báo bằng văn bản và điện thoại cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên còn diễn biến phức tạp, trong khi đó hầu hết các hồ chứa đều đã đầy nước, vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT phối hợp với các địa phương rà soát để kịp thời điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du của các hồ chứa. Về lâu dài, sẽ xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa các địa phương và các chủ hồ chứa để quy định rõ trách nhiệm của các bên.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước