Thủ tướng: Cần cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 16/06/2018 20:25 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các trưởng đoàn dự Hội nghị. - Ảnh: VGP

VTV.vn - Cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác.

Sáng 16/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen và Tổng thống Myanmar Win Myint tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS). 

Hiện nay, Hợp tác Kinh tế mang tên của 3 dòng sông là Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong là một trong những cơ chế quan trọng nhất trong 12 cơ chế hợp tác ở Tiểu vùng Mekong gồm 5 nước là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo nhận định, khu vực Mekong có tiềm năng phát triển to lớn với vị trí địa kinh tế chiến lược kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và các thị trường châu Á.

Tuy nhiên, 5 quốc gia Mekong cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, cũng như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số giải pháp. Theo đó, Hợp tác ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng. 

Đi cùng với việc cần cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS, cũng như cần nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mekong khác.

Để giải quyết các thách thức đang đặt ra đối với các nước Mekong, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch tổng thể ACMECS từ năm 2019 - 2023 với mục tiêu đưa 5 nước này trở thành một trung tâm kinh tế kết nối thông suốt, hội nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị khu vực và toàn cầu. 

Theo đó, 5 nước sẽ tập trung hợp tác vào ba trụ cột chính là kết nối hạ tầng cứng thông qua việc thúc đẩy kết nối các phương tiện vận tải đa phương thức bao gồm đường bộ, đường ray, cầu, cảng, hàng không, đường thủy nội địa và kết nối hàng hải, cũng như các cơ sở hạ tầng cho kết nối kỹ thuật số và hạ tầng năng lượng.

Đi cùng với kết nối giữa các khu công nghiệp và cảng biển với các tuyến hành lang chính, các nước cũng sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt để tăng cường hoạt động của mạng lưới đường sắt tiểu vùng, đặc biệt là Hành lang kinh tế Đông Tây nối Myanmar, Thái Lan Lào và miền Trung Việt Nam cùng với Hành lang kinh tế phía Nam. 

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí kết nối hạ tầng mềm, thông qua việc hài hòa và đơn giản hóa các quy tắc và quy định để tạo thuận lợi cho sự di chuyển của con người, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đi cùng với sử dụng đồng nội tệ, cũng như công nghệ Fintech trong ngân hàng. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí ACMECS sẽ phát triển thông minh và bền vững, thông qua việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chiến lược bao gồm khởi nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ y tế và giáo dục.

Tại hội nghị cấp cao này, các nhà lãnh đạo đã thảo luận đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác ACMECS nhằm huy động các đối tác phát triển hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên của 5 nước. Việc huy động các đối tác phát triển và khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án của ACMECS được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất cách đây 2 năm tại Hội nghị cấp cao ở Hà Nội.

Tiếp theo tinh thần của Hội nghị cấp cao AMECS ở Hà Nội cách đây 2 năm, Hội nghị lần này cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Lần đầu tiên, Diễn đàn đối thoại giữa 5 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của 5 nước được tổ chức. Điều này cho thấy, khu vực tư nhân sẽ là một đối tác quan trọng của hợp tác ACMECS trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo ACMECS hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN vào tháng 9 tới đây tại Hà Nội và cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá về khu vực Mekong như một động lực kinh tế năng động mới của ASEAN, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp ACMECS. 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước