Tiền lương phải là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người hưởng lương và gia đình họ

PV-Chủ nhật, ngày 13/05/2018 08:29 GMT+7

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Chính sách tiền lương góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng và thực hiện công bằng xã hội.

Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định là có nhiều nội dung cải cách có tính đột phá và tính khả thi cao.

Trung ương nhấn mạnh tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ. Trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Trung ương đã xem xét việc cải cách chính sách tiền lương ở cả hai khu vực là khu vực doanh nghiệp và khu vực nhà nước.

Trong khu vực doanh nghiệp, Người sử dụng lao động và Người lao động sẽ tự thỏa thuận về tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước thực hiện điều tiết tiền lương thông qua công cụ quản lý; tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế.

Để thực hiện định hướng cải cách này, Nhà nước sẽ quy định tiền lương tối thiểu; hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng, bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ... Hoàn thiện cơ chế thỏa thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Các quy định này vừa để bảo vệ người lao động yếu thế, vừa để điều tiết thị trường lao động. Giá sức lao động, vì thế, sẽ được hình thành theo quy luật của thị trường mà vẫn có sự quản lý của Nhà nước.

Trong khu vực nhà nước, lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được xác định theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng.

Theo hướng cải cách này, khu vực công sẽ phải thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Các chế độ phụ cấp hiện hành cũng sẽ được sắp xếp lại theo hướng bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương.

Để có nguồn lực tài chính cho cải cách tiền lương cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản tổ chức bộ máy và khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng mức chi thu nhập tăng thêm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực.

Tinh thần cải cách chung đối với chính sách tiền lương là khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tiễn đất nước, giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách tiền lương được xác định là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội./.

Đối với khu vực công, sẽ xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Bảng lương sẽ không tính theo hệ số mà quy định bằng số tiền tuyệt đối trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.

Sẽ có 3 hệ thống bảng lương được xây dựng, gồm:

* Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã

* Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo.

* 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước