Tuyển sinh 2018: Nhiều ngành nghề được xem là không "hot" nhưng có nhu cầu tuyển dụng cao

Minh Đức-Thứ hai, ngày 09/04/2018 14:30 GMT+7

VTV.vn - Thực tế, rất nhiều ngành nghề tại các trường đại học không được cho là "hot", ít được quan tâm nhưng lại có nhu cầu tuyển dụng cao trong xã hội.

Chỉ chưa đầy 2 tháng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ chính thức diễn ra, các sĩ tử sẽ sớm phải đưa ra lựa chọn trường ĐH và ngành nghề theo đuổi. Quyết định chọn trường luôn khiến các bậc phụ huynh và các em học sinh đau đầu, vì điều này không chỉ quyết định tương lai 4 năm giảng đường mà còn ảnh hưởng đến công việc về sau. Thực tế, rất nhiều ngành nghề tại các trường đại học không được cho là "hot", ít được quan tâm nhưng lại có nhu cầu tuyển dụng cao trong xã hội.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho hay, hiện có rất nhiều trường và chuyên ngành khác nhau được mở ra, các em nên chọn trường có truyền thống và chọn những ngành có đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế vẫn đang được nhiều người dự đoán có nhu cầu công việc cao. Ngay tại trường ĐH Bách Khoa, những năm gần đây các ngành như kỹ thuật dệt, công nghệ may, kỹ thuật vật liệu kim loại... dù không được xem là nổi bật nhưng lại rất thu hút thị trường nhân lực chất lượng cao, các công ty có nhu cầu tuyển dụng nhân lực lớn. Nhiều sinh viên của ĐH Bách Khoa học những ngành này đã được các công ty, đối tác đề nghị tuyển dụng ngay từ khi chưa tốt nghiệp.

Hiện nay, nhiều ngành học xã hội cũng đang rất được quan tâm, thậm chí là khan hiếm nguồn nhân lực và có thu nhập cao trong xã hội như Quốc tế học, Du lịch, Ngôn ngữ...

Ngoài ra, các sĩ tử nên chọn những trường có điều kiện trải nghiệm nghề để biết được bản thân có phù hợp với nghề đã chọn học hay không. Nhiều trường còn đào tạo theo hướng bằng kép, song bằng hay đạo tạo tín chỉ sẽ giúp các thí sinh chuyển đổi ngành nghề ngay trong trường, như vậy sẽ hạn chế được việc thí sinh chọn sai ngành nghề yêu thích.

Cũng theo các chuyên gia giáo dục, hiện đang có một số ngành học được xã hội đánh giá cao và có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường như nhóm ngành nông - lâm - ngư, nhưng các nhóm này chưa được các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm. Lý do có lẽ là bởi đây là những ngành không mang tính chất "kinh tế", thường làm việc ở những nơi xa xôi thay vì đô thị.

Theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông - lâm - ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Sinh viên ra trường không phải làm các công việc ở ngoài đồng lúa hay trên rừng mà chỉ làm các công việc nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất với thu nhập tương đối cao. Ngoài ra, xây dựng cũng là một trong những ngành vẫn tiếp tục thu hút lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước