Ứng dụng iParking: Cần mạnh dạn thí điểm, đi tiên phong để thành công

Minh Đức-Thứ tư, ngày 10/05/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ông Nguyễn Toàn Thắng tin tưởng ứng dụng iParking sẽ thành công và Việt Nam sẽ sớm áp dụng thêm nhiều công nghệ giao thông thông minh trong tương lai.

Việt Nam đã ứng dụng không ít công nghệ giao thông thông minh nhằm nâng cao hơn chất lượng giao thông đô thị. Gần đây nhất, Thủ đô Hà Nội đã bắt đầu thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động qua điện thoại di động iParking tại các điểm đỗ xe trên hai tuyến đường Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm). Trong những ngày đầu thí điểm, ứng dụng đã nhận được không ít lời khen từ người dùng vì sự tiện lợi nhưng cũng bộc lộ một số điểm khuyết thiếu cần thay đổi, hoàn thiện.

PV VTV News đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc phát triển kinh doanh Khối ngành giao thông (FPT) về sự hiệu quả của iParking khi áp dụng tại Hà Nội và những ứng dụng thông minh khác có thể áp dụng vào giao thông Việt Nam trong tương lai gần.

Ứng dụng iParking: Cần mạnh dạn thí điểm, đi tiên phong để thành công - Ảnh 1.

Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc phát triển kinh doanh Khối ngành giao thông (FPT) cho biết rất tin tưởng ứng dụng thông minh iParking sẽ thành công vì mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Ông nhận xét như thế nào về việc Hà Nội thí điểm triển khai ứng dụng iParking tìm kiếm và thanh toán phí đỗ xe qua điện thoại di động?

Tôi nhận thấy việc Hà Nội thí điểm triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí đỗ xe qua điện thoại di động là rất hợp lý. Thông qua việc thí điểm, chúng ta có thể đánh giá việc ứng dụng hoạt động như thế nào, hiệu quả đến đâu, có những gì cần phải sửa chữa để nó phát triển hơn. Mục tiêu của đề án này đầu tiên là mang đến thuận lợi cho người dân khi tìm chỗ đỗ xe, thứ hai là tận dụng được toàn bộ cơ sở hạ tầng đỗ xe một cách hiệu quả nhất, tận thu việc thu phí đỗ xe. Theo cá nhân tôi cảm nhận thì đây là hai mục tiêu tốt.

Nhìn nhận một cách trực quan, việc người dùng có thể sử dụng điện thoại để tìm kiểm điểm đỗ thuận tiện nhất thì đã là thành công đầu tiên khi ứng dụng công nghệ này.

Theo ông, mô hình ứng dụng iParking liệu có thể được mở rộng hơn không?

Cảm nhận của tôi là ứng dụng này sẽ thành công và sẽ được nhân rộng. Vì sao? Bản chất đầu tiên của nó là mang lại sự thuận tiện, bên cạnh đó mức phí thu 15.000 đồng/tiếng, 30.000 đồng/2 tiếng trông giữ xe là rất hợp lý và rõ ràng, tôi thấy đây là những thành công ban đầu.

Theo tôi thấy, việc Hà Nội mạnh dạn tiến hành thí điểm là rất tốt. Cứ làm thí điểm rồi từ từ chỉnh sửa cho hoàn thiện, sai đâu sửa đấy, thí điểm thất bại cũng không sao nhưng sẽ phải có người đi tiên phong để làm được việc đó. Nếu cứ tính toán trên giấy tờ hết rồi mới đưa ra làm thì sẽ rất mất thời gian và chưa chắc đã hoàn thiện ngay được.

Sau hơn 1 tuần thí điểm, có rất nhiều khách hàng phàn nàn vì những điều chưa hoàn thiện của ứng dụng trong thanh toán. Ông có cho rằng những vẫn đề này sẽ sớm được giải quyết không?

Tôi cũng đã nghe qua một số phương tiện thông tin đại chúng nói về việc khách hàng phàn nàn về những vướng mắc trong việc thanh toán khi chỉ sử dụng được thẻ Visa, thẻ Master hay thanh toán qua tin nhắn điện thoại. Có thể, đây là những cái chưa được thuận lợi cho hình thức thanh toán, tuy nhiên, tôi tin trong tương lai gần, công ty cung cấp công nghệ sẽ làm một ứng dụng mặt hậu để tiến hành kết nối thanh toán liên thông các thẻ ngân hàng. Điều này không hề khó vì Việt Nam đã có 1 đơn vị là Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Napas rồi. Nếu làm được, các khách hàng có thể sử dụng thẻ ATM thường để trả phí gửi xe.

Còn về việc khách hàng mới chỉ thanh toán được một lần qua tin nhắn, tôi nghĩ đối với một công ty công nghệ thì vấn đề này không có gì là khó giải quyết. Ngoài ra, việc thanh toán mà không dùng tiền mặt thì có rất nhiều cách giải quyết về mặt kỹ thuật. Nếu khách hàng không thích dùng tin nhắn thì họ có thể thanh toán online bằng thẻ thanh toán nội địa, thậm chí là ví điện tử, thẻ cào hoặc thậm chí là các bốt thanh toán điện chỉ chỉ cần quẹt thẻ và ký nhận thanh toán. Vấn đề là công ty cung cấp công nghệ làm việc thế nào với công ty cổ phần thanh toán.

Có thể thời gian từ ngày có văn bản quyết định thực hiện thí điểm đến khi triển khai quá gấp gáp nên có thể công ty Khai thác đỗ xe Hà Nội và công ty cổ phần đầu tư CIS chưa kịp làm những ứng dụng thanh toán không cần tiền mặt như ứng dụng thanh toán bằng thẻ ATM nội địa, ví điện tử, bốt thanh toán online… Có thể trong thời gian thí điểm họ vừa chạy, vừa hoàn chỉnh nên tương lai sẽ hoàn thiện.

Ứng dụng iParking: Cần mạnh dạn thí điểm, đi tiên phong để thành công - Ảnh 2.

Sẽ cần có thêm thời gian để đơn vị quản lý và phát triển iParking hoàn thiện

Có trường hợp khách hàng chỉ đóng phí 1 tiếng nhưng gửi xe cả ngày, trong khi đó cơ quan quản lý vẫn chưa có hình thức phạt thích hợp. Ông nhận xét thế nào về điều này?

Theo tôi, ứng dụng tìm kiếm điểm đỗ xe đã xác định được vị trí cho người đỗ, quy định thanh toán tiền tương ứng với thời gian đỗ, như vậy hệ thống hoàn toàn có thể ghi nhận được những thông tin như thời gian khách vào xe và lấy xe khi giao dịch được xác nhận. Các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể tra cứu những thông tin điện tử này trong trường hợp có khiếu nại hoặc xử phạt.

Tuy nhiên, cá nhân tôi nhìn thấy hiện nay mới chỉ tạo điều kiện cho người ta đỗ xe mà chưa có chế tài xử lý phù hợp. Nói về chế tài xử lý thì cơ quan thẩm quyền cần có quy định rõ ràng, công ty Khai thác điểm đỗ cần phải ban hành nội quy bãi đỗ xe, ai đồng ý thực hiện thì hãy vào đỗ, nếu không đồng ý thì đừng vào, đây là một thỏa thuận dân sự hết sức bình thường, cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể làm được. Trong giai đoạn thí điểm 3 tháng cũng có thể ban hành một quy chế tạm thời, chưa cần ban hành quy chế chính thức. Kèm theo quy chế tạm thời có thể có thêm các trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ cho việc cưỡng chế vi phạm, nếu anh sai tôi có quyền xử lý một cách công khai, minh bạch. Cơ quan quản lý có thể lắp đặt hệ thống camera giám sát ở từng bãi đỗ xe và thực hiện việc xử lý các trường hợp vi phạm nội quy.

Việt Nam đã ứng dụng không ít công nghệ giao thông thông minh, theo ông, phần khó nhất khi áp dụng ứng dụng thông minh vào thực tế là gì?

Sản phẩm được cung cấp ra phải được khách hàng thích, đây chính là mấu chốt của vấn đề. Khi áp dụng công nghệ thông minh vào thực tế giao thông thì phải làm thế nào để khách hàng đón nhận nó và yêu thích nó.

Tôi nói ví dụ về thành công của vé điện tử tàu hỏa, nó được đón nhận vì cái lợi đầu tiên là người dân không phải chen chúc xếp hàng, chỉ cần ngồi nhà cũng có thể mua vé qua mạng. Bước tiếp theo là thanh toán tiền vé, một số ngân hàng đứng ra chịu trách nhiệm thu tiền hộ, bưu điện chịu trách nhiệm giao vé về tận nhà và thu tiền hộ. Khi các nền tảng đã ổn thỏa rồi thì mới cho khách hàng thanh toán điện tử, hành khách có thể được phép in vé tại nhà hoặc chụp hình ảnh vé trên điện thoại di động… Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy để một công nghệ thông minh ứng dụng vào giao thông được đón nhận thì nó phải có lộ trình, đi từ từ, làm thế nào để tạo được điều kiện thoải mái nhất cho khách hàng thì họ sẽ chấp nhận.

Còn về việc ứng dụng công nghệ thông minh vào thực tế nhưng bị vênh nhau là đúng, vì khách hàng có nhiều tầng khác nhau, nhiều lứa tuổi khác nhau. Ngay khi công nghệ được ứng dụng ra thực tế thì không thể một lúc chiều lòng được tất cả mọi người. Ví dụ như ứng dụng iParking, có người thích nhắn tin trả tiền, có người lại không thích… vậy nên công ty triển khai công nghệ sẽ phải đưa ra rất nhiều hình thức thanh toán, dần dần đưa vào cho khách làm quen.

Có thể nói, Việt Nam chúng ta đang đi thẳng một bước lên dùng smartphone để phục vụ việc tìm kiếm và thanh toán phí đỗ xe. Trong lịch sử, thế giới đã phải trải qua những quá trình thủ công như bấm nút lấy vé chẳng hạn, nhưng chúng ta thì đi thẳng lên, đi tắt đón đầu.

Theo ông, Giao thông Việt Nam còn có thể ứng dụng thêm những công nghệ thông minh trong tương lai gần nữa không?

Có chứ, rất nhiều là đằng khác. Công nghệ ứng dụng giao thông thông minh có rất nhiều, tùy vào từng đặc điểm của từng cơ sở hạ tầng, đặc điểm của từng quốc gia mà lựa chọn ứng dụng thông minh phù hợp. Như Việt Nam chúng ta đi tương đối nhanh, như câu chuyện thu phí không dừng, thu phí tự động hay thu phí bãi đỗ xe tự động để giải quyết vấn đề giao thông tĩnh…

Trong thời gian tới, tôi cho rằng công nghệ thông minh sẽ tiếp tục được áp dụng vào việc cung cấp thông tin giao thông. Thực tế, việc thu thập thông tin, lưu lượng mật độ phương tiện theo thời gian thực đang là bài toán quan trọng. Từ số liệu ấy mới điều tiết được giao thông, điều khiển được giao thông, cung cấp tình trạng giao thông cho người dân. Bạn sẽ biết được tình trạng tuyến đường mà bạn sắp đi như thế nào, nếu tắc thì nó sẽ dự báo là hết tắc trong thời gian bao lâu nữa chẳng hạn. Nếu làm được ứng dụng này thì bài toán đo đếm mật độ phương tiện sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán khác. Sau khi đo đếm được chính xác thì có thể chuyển đến đèn tín hiệu giao thông tự động, hoạt động theo nguyên lý chỗ nào ùn tắc thì chúng ta xả tắc đi bằng các làn sóng xanh, hay điều hướng người dân đi lối khác chẳng hạn.

Trong tương lai, chắc chắn sẽ có những thí điểm ứng dụng thông minh như vậy, rồi chúng ta có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nâng cao giải pháp lên, như thế là cách đi nhanh nhất. Nhìn chung, bài toán về giao thông thông minh chắc chắn sẽ phải giải vì nếu không sẽ thiệt hại rất lớn cho xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước