Cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, người tạo nên bước chuyển cho sự phát triển sơn mài

Hoàng Trang (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 17/06/2016 21:39 GMT+7

Gióng - tranh sơn mài Nguyễn Tư Nghiêm (1982). (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là người góp phần tạo nên một bước chuyển quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, một trong 8 danh họa lớn tạo nên diện mạo mỹ thuật Việt Nam, đã qua đời sáng ngày 15/6 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được xếp vào bộ tứ huyền thoại thế hệ thứ 2 cùng với các họa sĩ Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên, tạo thành bộ tứ "Sáng-Nghiêm-Liên-Phái" lừng danh. Ông cũng là một trong những họa sỹ đầu tiên được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, cùng nhiều giải thưởng uy tín quốc tế khác.

Với nền hội họa Việt Nam, ông không chỉ có đóng góp đặc biệt với khối tác phẩm đồ sộ hàng ngàn bức tranh, mà còn là bậc thầy có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ họa sĩ sau này. Ông cũng là người góp phần tạo nên một bước chuyển quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam.

Tại phòng trưng bày Sơn mài- Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, ở một góc trang trọng, 5 bức tranh sơn mài nổi tiếng nhất của danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm được treo liền nhau: Con nghé quả thực, Múa cổ, Gióng, Nông dân đấu tranh chống thuế, và Xuân hồ Gươm.

Nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm là nói đến tranh sơn mài, mảng chất liệu ông đạt tới đỉnh cao và có công đặc biệt trong việc đưa được màu xanh lục, làm phong phú bảng màu sơn mài truyền thống Việt Nam lúc đó, vốn chỉ có những màu cơ bản đỏ, đen,vàng và trắng. Nhưng ngay cả với đóng góp được xem như một cuộc cách mạng ấy, cùng khối tài sản hàng ngàn bức tranh mà ông để lại suốt 70 năm sáng tác của mình, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là một con người rất đỗi giản dị kiệm lời.

Nguyễn Tư Nghiêm là một trong số rất hiếm họa sỹ khiến thế giới hiểu biết và yêu mến hội họa truyền thống Việt Nam. Ông đã đi đến tận cùng của truyền thống để tới hiện đại. Vẽ nhiều nhất về đề tài các con giáp, Thánh Gióng, múa cổ nhưng cách ông sáng tạo trên nền cảm hứng dân gian lại vô cùng mới mẻ. Đó là những tìm tòi vượt xa những gì được học ở trường Mỹ thuật Đông Dương, để tạo nên những tác phẩm mà người xem nhìn vào biết chắc đây là tranh của người Việt Nam.

Vĩnh biệt cây đại thụ cuối cùng trong bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Xin cảm ơn ông, người đã mang hồn Việt ra thế giới bằng tranh.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước