Doanh nghiệp tự công bố chất lượng thực phẩm là không khả thi

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 03/09/2017 18:29 GMT+7

VTV.vn - TS Trần Tuấn cho rằng, để doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm của mình vào thời điểm hiện nay là không khả thi.

Doanh nghiệp đề xuất tự đăng ký, tự công bố chất lượng thực phẩm, còn cơ quan chức năng chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đây là một đề xuất tích cực nhưng trên thực tế, vấn đề này đang tạo ra nhiều luồng tranh luận.

Báo cáo giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội cho thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta đang ở mức báo động, với hàng nghìn vụ vi phạm mỗi năm. Đặc biệt là đầu năm nay, đã có hơn 10 trường hợp tử vong tại Hà Nội mà nguyên nhân là do uống rượu có chứa methanol, thêm vào đó là hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp.

Có nhà nghiên cứu nói rõ quan điểm rằng: "Thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam còn phải kiểm nghiệm kỹ mà kỹ còn chưa chắc đã xong nên ở các mặt hàng dùng cho con người thì chặt chẽ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu".

Ở góc độ bảo lưu cho quan điểm thông thoáng, đề xuất bỏ thủ tục đăng ký chất lượng cho rằng doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm chỉ là số ít, không đáng kể. Nhưng trên thực tế, ít hay nhiều người ta không dùng khi nói tới sức khỏe của con người. Và để thực hiện hậu kiểm, với đội ngũ chỉ có 400 thanh tra trên cả nước, câu hỏi đặt ra là: Họ có đủ sức phát hiện và xử lý các vi phạm phát sinh sau khi doanh nghiệp tự công bố chất lượng?.

Nhân lực và tài lực còn hạn chế, môi trường kinh doanh một số nơi, một số lúc còn thiếu lành mạnh. Nếu để doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm của mình vào thời điểm hiện này là không khả thi. Đó là ý kiến của ông Trần Tuấn - chuyên gia phản biện chính sách y tế và phát triển cộng đồng, Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Nhật Bản là quốc gia đặc biệt coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có nhiều biện pháp để quản lý nghiêm ngặt chất lượng thực phẩm cung cấp ra thị trường. Nhật Bản cho phép các công ty tự chịu trách nhiệm về chất lượng vệ sinh thực phẩm bán ra thị trường, nhưng cũng đồng thời áp dụng cơ chế giám sát toàn diện và chi tiết, áp dụng mức phạt cực nặng với những tổ chức cá nhân không tuân thủ quy định. Ý thức tôn trọng pháp luật và sức khỏe cộng đồng từ doanh nghiệp, đội ngũ 12.000 thanh tra thực phẩm đã giúp Nhật Bản kiểm soát tốt thị trường thực phẩm trong nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước