Câu lạc bộ phóng viên thể thao: Tại sao không?

An Dy-Thứ hai, ngày 22/06/2009 16:24 GMT+7

Để đáp ứng hoạt động nghiệp vụ trong công tác truyền thông, ngày càng nhiều các câu lạc bộ ra đời như: CLB nhà báo Chứng khoán, CLB nhà báo Công nghệ thông tin, CLB phóng viên Văn hóa Văn nghệ, CLB nhà báo nữ TP.Đà Nẵng... Đây là những tổ chức góp phần tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp cũng như giao lưu trong mọi lĩnh vực. Với đặc thù công việc, các phóng viên thể thao tại Đà Nẵng cũng có nguyện vọng tổ chức một sân chơi như vậy.

Tác nghiệp báo chí nói chung và trong lĩnh vực thể thao nói riêng luôn xuất phát từ niềm đam mê và tinh thần cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, địa bàn rộng, các giải đấu lớn diễn ra liên tục và mùa giải kéo dài, các phóng viên thể thao ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung tác nghiệp có phần khó khăn. Chính vì vậy, họ luôn mong muốn liên kết lại, bằng sức mạnh tập thể để tạo hiệu quả cao trong công việc.

Nhà báo Phi Hải (Báo Sài gòn Giải phóng): “Đối với nghề làm báo nói chung thì ai cũng phải có một kênh thông tin riêng để nguồn tin đảm bảo chính xác, tiếp cận với thông tin dễ dàng. Muốn vậy, cần tồn tại một tổ chức, một “sân chơi” cho đội ngũ phóng viên thể thao”.

Đa phần phóng viên thể thao miền Trung hiếm hoi lắm mới tạo được quan hệ cùng một số quan chức đứng đầu ngành TDTT hoặc các Hội, các Liên đoàn thể thao. Rõ ràng, nguồn và tính xác thực của nguồn tin luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của họ.

Nhà báo Ngô Anh Vũ (Báo Đà Nẵng): “Có một chủ trương mới, một chính sách mới về thể thao nói chung, về bóng đá nói riêng, nếu với tư cách là Câu lạc bộ thì chúng tôi có thể tiếp cận được nguồn thông tin đó một cách nhanh nhất, đơn giản nhất, chứ với tư cách cá nhân thì để làm việc với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hay Ủy ban Thể dục Thể thao chẳng hạn thì những điều này hoàn toàn bất cập. Rõ ràng, danh không chính thì ngôn không thuận, đó là điều rất là khó khăn”.

Không chỉ là nguồn tin, mà với thể thao, nhu cầu chia sẻ thông tin và hình ảnh giữa các phóng viên là rất lớn, bởi nếu tác nghiệp đơn độc, họ khó có thể quán xuyến toàn bộ không gian diễn ra trận đấu, giải đấu dưới sân cũng như trên khán đài bởi áp lực khắc nghiệt của thời gian.

Nhà báo Nguyễn Hải Sơn (Đài Tiếng nói Việt Nam): “Cho đến thời điểm này, anh em chúng tôi mặc dù rất mong muốn vẫn chưa thành lập được CLB phóng viên thể thao đúng nghĩa để có một tổ chức mà tham gia giao lưu, sinh hoạt cùng các địa phương bạn”.

Từ đầu những năm 2000, phóng viên thể thao ở hai đầu đất nước đã chủ động trong việc thành lập CLB. Một tổ chức nghề chính danh cũng khiến cho những phóng viên thể thao này trăn trở, cho dù có hơi muộn.

Nhà báo Đặng Xuân Thu, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng cho biết: “Các hội viên Hội nhà báo, đặc biệt là những phóng viên thể thao, những phóng viên yêu nghề cần sớm làm việc với Hội. chúng tôi sẽ đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm về mặt pháp nhân, tổ chức cho các anh chị em sinh hoạt. Ý tưởng thành lập CLB phóng viên thể thao miền Trung thì quá lớn, nhưng đối với TP.Đà Nẵng thì trong tầm tay. Chúng tôi sẽ làm được”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước