Chủ tịch VFF so sánh U19 Hoàng Anh Gia Lai với Thể Công

Theo Dân TríCập nhật 21:10 ngày 13/01/2015

Hai cái đội bóng đã trở thành tượng đài của bóng đá Việt Nam là Thể Công và Cảng Sài Gòn vừa bị ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mang ra so sánh với đội bóng trẻ U19 HA Gia Lai.

Phát biểu trên báo chí, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói rằng, theo bình luận của các nhà chuyên môn thì ở Việt Nam có 2 đội bóng được yêu thích nhất, số 1 là Thể Công và số 2 là Cảng Sài Gòn. Nhưng theo người đứng đầu VFF, ngay cả ở thời đỉnh cao Thể Công hay Cảng Sài Gòn cũng không được yêu mến như HA Gia Lai.

Cơ sở để đưa ra lời khẳng định này của ông Dũng, chính là hình ảnh chật cứng khán giả 2 trận vừa qua có đội HA Gia Lai thi đấu. Ngoài ra, đội bóng phố Núi với những cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là thần tượng của các em bé, của những người yêu thích bóng đá nên tôi không ngạc nhiên khi áo đấu của họ bán rất chạy. Đây là điều mà Thể Công hay Cảng Sài Gòn xưa kia không thể làm được.

U19 Hoàng Anh Gia Lai

U19 Hoàng Anh Gia Lai

Việc ông Dũng mang hình ảnh CĐV đến sân đông, rồi HA Gia Lai đang là đội bán được nhiều áo thi đấu để rồi kết luận đội bóng này được yêu mến hơn Thể Công hay Cảng Sài Gòn là không hợp lý.

Khi còn ở thời đỉnh cao, cả Thể Công và Cảng Sài Gòn đều có lượng cổ động viên rất lớn và cũng luôn kín các khán đài mỗi khi 2 đội thi đấu. Tuy nhiên, khác với một HA Gia Lai có sức hút từ những cầu thủ trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường bởi tâm lý đám đông, bởi công nghệ truyền thông, thì những người yêu mến Thể Công hay Cảng Sài Gòn năm xưa được bắt nguồn từ tình cảm chân thành. Với không ít người, hai cái tên Thể Công và Cảng Sài Gòn còn rất thiêng liêng, là hình ảnh của cả dân tộc.

Theo giới chuyên môn, việc người hâm mộ yêu mến HA Gia Lai và đi đến đâu thì sân đấu ấy cũng rất đông khán giả, ngoài hiệu ứng từ màn trình diễn của U19 Việt Nam, thì nhiều khán giả còn tò mò muốn xem Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đá như thế nào.

Theo một cựu cầu thủ Thể Công, sức hút của những cầu thủ U19 trên là rất lớn, nhưng mang tính giải trí, chứ không phải tính truyền thống của một đội bóng có bề dày lịch sử. Rất nhiều CĐV muốn được một lần vào xem Công Phượng thi đấu ở các giải năm 2014 nhưng không mua được vé, thì giờ có thể dễ dàng vào sân khi chỉ phải bỏ ra vài chục nghìn mua vé. Còn chuyện áo thi đấu bán nhiều hơn không thể mang ra so sánh, bởi thời ngày trước không làm bóng đá theo kiểu chuyên nghiệp, lấy bóng đá nuôi bóng đá như bây giờ.

Cũng theo cựu cầu thủ Thể Công này, việc so sánh của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không chỉ khiến các người hâm mộ Thể Công cảm thấy bị xúc phạm, mà cả những đội bóng đang chơi ở V-League cũng chạnh lòng. Nói thẳng ra, các CĐV của HA Gia Lai chưa thể so với hội CĐV của SL Nghệ An, Thanh Hóa hay Hải Phòng về độ cuồng nhiệt.

CLB Thể Công từng chinh phục rất nhiều trái tim các thế hệ CĐV Việt Nam
CLB Thể Công từng chinh phục rất nhiều trái tim các thế hệ CĐV Việt Nam

Cách đây gần 60 năm, vào một ngày gần cuối tháng 9/1954, Thể Công - viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao Công tác đội" - được thành lập. Từ năm 1955 đến 1979, Thể Công được coi như CLB thành công nhất của bóng đá quốc gia với 13 lần vô địch giải bóng đá miền Bắc, bên cạnh những chiến tích vang dội trên trường quốc tế như chiến thắng trước đội Bát Nhất (đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó) rồi đội tuyển Cuba... Sau khi đất nước thống nhất và có giải Vô địch quốc gia (tiền thân của V-League), Thể Công vẫn là đội bóng mạnh, với 5 lần đăng quang.

Những lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như Cao Cường, Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng... đến Hồng Sơn, Như Thuần, Việt Hoàng, Phương Nam... vẫn nhận được tình cảm, sự mến mộ của người hâm mộ cả nước.