Ấn tượng chiến thuật: U19 Việt Nam đã biết “phá” đối thủ và phản công sắc sảo

Cập nhật 02:23 ngày 12/09/2014

Trận thắng 4-1 trước U19 Myanmar lại là một ví dụ cho thấy U19 Việt Nam không chỉ phối hợp, cầm bóng tự tin như thường lệ mà còn thi đấu áp sát, phá ý đồ chơi bóng của đối thủ.


Với những người yêu mến U19 Việt Nam, cụm từ “áp đặt thế trận”, thứ ám chỉ cách cầm bóng chắc chắn và kiên nhẫn tổ chức phối hợp, đã trở thành một tôn chỉ rất đỗi quen thuộc mà các cầu của ta trình diễn lúc vào sân. Thế nhưng trận thắng 4-1 trước U19 Myanmar lại là một ví dụ hoàn toàn khác, khi U19 Việt Nam không chỉ phối hợp, cầm bóng tự tin như thường lệ mà còn thi đấu áp sát, phá ý đồ chơi bóng của đối thủ. Thành quả của lối chơi hợp lí ấy chính là bốn pha lập công hết sức ấn tượng, càng đặc biệt hơn khi một nửa trong số đó đến từ những đường phản công đầy sắc sảo.

Sau trận thua trước chính đối thủ U19 Myanmar cách đây nửa tháng, không ít những nhà chuyên gia, những phương tiện truyền thông uy tín cùng NHM đã đồng loạt lên tiếng và cho rằng, thất bại ở chung kết cúp Nhà vua Hassanal Bolkiah là một bài học hết sức quý giá. Nó quý giá khi giúp bộc lộ hàng loạt những yếu điểm trong cách đá phòng ngự của ta, quan trọng hơn hết đã giúp những Xuân Trường hay Tuấn Anh hiểu được sức ép liên tục của cái gọi là “bóng đá pressing”, thứ đã khiến họ không thể cầm bóng tự tin như thường lệ và cũng không ít lần chịu mất quyền kiểm soát vào tay đối thủ.

 


Từ Brunei đến Hà Nội, U19 Việt Nam đã cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng

Đã quá nhiều lần chúng ta đề cập đến thứ được xem là “bài học quý giá” với các tuyển thủ trẻ, nhưng có lẽ chưa bao giờ sự tiến bộ về ý thức chiến thuật của các em lại được thể hiện một cách chóng vánh và rõ ràng đến thế, rất có thể là vì câu chuyện thời gian.

Chúng ta đối đầu U19 Nhật Bản hồi đầu năm, cũng nhận ra hàng tá vấn đề trong cách vận hành thế trận nhưng phải đến giải Đông Nam Á lần này, chúng ta mới có dịp tái ngộ ĐT vùng Đông Á; và cũng từ đấy thì NHM mới có thể thấy được một cách rõ ràng những gì được xem là tiến bộ mà các cầu thủ U19 thể hiện.

Câu chuyện về U19 Myanmar thì còn rất mới, và bài học xoay quanh thất bại đáng tiếc nuối ấy vẫn là thứ kề vai Công Phượng cũng như các đồng đội khi hai đội bước vào cuộc tái ngộ tại Mỹ Đình tối 11/9.

HLV Guillaume Graechen đã khiến đối thủ bên phần sân đối diện là Gerd Zeise hoàn toàn bất ngờ khi chỉ đạo các học trò của mình đá chắc bên phần sân nhà (hạn chế việc dâng cao của hai hậu vệ cánh Hồng Duy và Văn Sơn) còn ở khu vực phía trên, những Công Phượng, Văn Toàn hay Văn Long được căn dặn phải vây ráp hậu vệ đối phương ngay sau khi mất quyền kiểm soát.

Chính lối đá khó chịu ấy đã khiến cho hàng thủ đội khách gặp khá nhiều bối rối và hàng công cũng chẳng thể làm gì khác ngoài việc tung ra những tình huống sút xa không quá nguy hiểm. Với cách đá áp sát toàn mặt sân như vậy, yếu tố thể lực luôn là một yêu cầu hết sức tiên quyết. Đội tuyển của chúng ta không mạnh ở chiều cao, cân nặng nhưng bù lại là một sức bền đáng nể. HLV Guillaume Graechen có lí do để “nổ” khi cho rằng tiền vệ trung tâm Tuấn Anh đã chạy nhiều ngang với trình độ Champions League.

 


Văn Toàn (áo trắng) đã thi đấu hết sức ấn tượng trong chiến thắng của U19 Việt Nam

Cách đây hơn nửa tháng, chúng ta đã thua U19 Myanmar trong một thế trận mà ông Graechen tỏ ra rất không hài lòng với khả năng tận dụng cơ hội của học trò. Nay thì khác, U19 Việt Nam cướp bóng hiệu quả trên sân nhà và tổ chức phản công cũng vô cùng ấn tượng.

Bàn thắng của Văn Toàn chính là sự đúc kết cho một pha lên công ấn tượng, chỉ với vài đường chuyền ngắn gọn và sự tham gia của ba tuyển thủ. Nhưng pha lập công sau đó của Văn Long mới là đỉnh cao của tốc độ khi Xuân Trường giành bóng giữa sân và chỉ trong tích tắc đã luân chuyển kịp thời cho Văn Long ghi bàn “kết liễu” đối thủ.

Trước U19 Nhật tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục phải đa dạng trong cách đá và xem chừng chỉ có những chiêu bài mới lạ thế này mới có thể giúp đội bóng của ta chiếm thể chủ động và giành lấy niềm vui cuối cùng về cho NHM.


Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)