Theo dòng lịch sử: Fifa World Cup 2002 - Hàn Quốc và Nhật Bản

-Thứ tư, ngày 11/06/2014 06:12 GMT+7

FIFA, tổ chức quyền lực nhất thế giới bóng đá cùng người lãnh đạo của nó là ông chủ tịch Sepp Blatter, luôn được xem là tâm điểm của mọi sự tranh cãi khi liên tục đưa ra những thay đổi làm bất ngờ hoàn toàn giới mộ điệu. Trước khi ủy thác cho Qatar đăng cai kì World Cup 2022 vào… mùa đông thì trước đó, vị chủ tịch người Thụy Sĩ cũng từng gây bất ngờ không kém khi trao quyền tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm 2002 – World Cup đầu tiên trong thiên niên kỉ mới, cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Không hẳn mọi quyết định bất ngờ của Blatter đều đi đúng mục đích nhưng cũng khó có thể phủ nhận sự thành công và ảnh hưởng mà chúng mang lại. Một trong những thành công đó chắc chắn phải là World Cup 2002 – kì World Cup đầu tiên được tổ chức tại châu Á.

Tổng quan
Nước chủ nhà: Hàn Quốc và Nhật Bản
Thời gian: từ 31/5 đến 30/6 năm 2002
Thể thức: vòng bảng và knock out

Các đội tuyển tham dự
World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á, mà cũng là lần đầu tại hai quốc gia nên một điều dễ nhận thấy nhất là số lượng các đại diện châu lục này sẽ tăng lên. Bên cạnh bốn đội bóng đại diện cho châu lục đông dân nhất thế giới, FIFA World Cup 2002 còn chào đón một số tân binh đáng chú ý như Slovenia, Trung Quốc cũng của châu Á và đặc biệt là Senegal – đội bóng đã tạo nên rất nhiều những bất ngờ thú vị.
Danh sách 32 đội tuyển tham dự: Nhật Bản – Bỉ – Nga – Tunisia – Mexico – Italia – Croatia - Ecuador – Nigeria – Argentina – Anh – Thụy Điển - Ả Rập Xê-út – Cameroon – Ailen – Đức – Ba Lan – Bồ Đào Nha – Hoa Kỳ – Hàn Quốc – Trung Quốc – Costa Rica – Thổ Nhĩ Kì – Brazil – Tây Ban Nha – Paraguay – Nam Phi – Slovenia – Pháp – Uruguay – Senegal – Đan Mạch.

Kết quả chung cuộc
Vô địch: Brazil
Á quân: Đức
Hạng ba: Thổ Nhĩ Kì
Hạng tư: Hàn Quốc
Vua phá lưới: Ronaldo Lima (Brazil – 8 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Oliver Kahn (Đức)
Tổng số trận đấu: 64
Tổng số bàn thắng: 161 (trung bình 2.52 bàn/trận)
Tổng số khán giả: 2,705,197 (trung bình 42,269 người/trận)

Thành công, nhưng cũng đầy tai tiếng
Không thể phủ nhận, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cùng chung tay tổ chức một trong những kì đại hội bóng đá đáng nhớ nhất cả trên phương diện giải đấu lẫn thành tích cá nhân của họ. World Cup lần đầu được tổ chức trên hai lãnh thổ, vấn đề di chuyển và an ninh cho các đội bóng luôn là đề tài được quan tâm hàng đầu. Mặc dù gặp không ít những khó khăn song hai nước đồng chủ nhà đã cùng nhau giải quyết khá tốt vấn đề nhạy cảm nói trên, nhất là trong bối cảnh khủng bố và đánh bom luôn trực chờ. Bên cạnh vấn đề an ninh, chất lượng các SVĐ mới được xây dựng tại Seoul cũng như Tokyo đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của các đội tuyển, giúp họ yên tâm thi đấu và đạt được những thành tích cao nhất.

Về mặt chuyên môn, cả Hàn Quốc cũng như Nhật Bản cũng đều gặt hái được những thành công nhất định khi cùng vượt qua vòng đấu bảng nhưng trong khi Nhật Bản chịu thất bại trước Thổ Nhĩ Kì ngay vòng 1/8 sau đó thì Hàn Quốc lại tạo nên nhiều bất ngờ khi liên tục đánh bại nhiều ông lớn như Italia hay Tây Ban Nha và tiến vào vòng đấu dành cho bốn đội mạnh nhất. Trận bán kết gặp CHLB Đức, Hàn Quốc cũng thi đấu rất kiên cường và chỉ chịu khuất phục bởi bàn thắng duy nhất mà Michael Ballack ghi ở phút thứ 75.

 

Thành công hơn nhưng cũng đi kèm với nhiều chỉ trích, đó là điều đã xảy ra với ĐT Hàn Quốc. Như đã đề cập phía trên, đội bóng của HLV Guss Hiddink khi đó vào tới tận vòng bán kết của giải nhưng bên canh nỗ lực của bản thân, đội bóng này cũng phải nhờ cậy tới sự trợ giúp từ bên ngoài, mà ở đây là những vị trọng tài. Lượt cuối vòng bảng gặp Bồ Đào Nha, Hàn Quốc cần một chiến thắng để chắc suất đầu bảng và tránh đối thủ mạnh ở vòng trong. Chưa cần biết họ chơi thế nào nhưng nhìn cái cách mà trọng tài Angel Sanchez “chơi” người Bồ với hai tấm thẻ đỏ lãng xẹt mới biết việc Hàn Quốc không thắng mới là chuyện lạ.

 Vị vua áo đen người Argentina được cho là đã gặp gỡ “thân mật” với một quan chức bóng đá Hàn Quốc trước trận này và có thể nhận thấy Bồ Đào Nha không chỉ đấu với mười một, mà tới 13 (cả CĐV chủ nhà) và thậm chí sau khi bị đuổi người là 9 đấu 13. Trận knock out gặp Ý sau đó, những bê bối liên quan tới đội bóng xứ kim chi còn trở nên rõ ràng hơn nhưng thay vì đi sâu vào những diễn biến trên sân, chỉ cần chi tiết bên ngoài này thôi cũng đủ để thấy được sự căm phẫn thế nào mà người Ý dành cho tuyển chủ nhà.

Chủ nhân của bàn thắng “vàng” Ahn Jung-Hwan, ngay lập tức bị CLB Perugia xứ mì ống thanh lý hợp đồng trước thời hạn và kèm theo đó là những lời mạt sát không thương tiếc của vị chủ tịch đội bóng. Những tiếng còi méo tiếp tục lây lan sang trận tứ kết gặp Tây Ban Nha, khi đội quân xứ bò tót, dù thực hiện được hai pha dứt diểm qua tay thủ thành Lee Woon-Jae, vẫn không sao thuyết phục nổi trọng tài chính Al-Ghandour người Ai Cập. Kết thúc trận đấu, Tây Ban Nha về nước với thất bại đầy ức chế 3-5 trên chấm penalty!

Giải đấu của những bất ngờ
Trong một giải đấu mà thời tiết nóng ẩm khó chịu hơn hẳn châu Âu, thậm chí trận khai mạc chỉ cách chung kết Champions League năm đó đúng… 15 ngày thì không khó để mường tượng ra sự suy giảm thể lực nghiêm trọng nơi những đội bóng và siêu sao hàng đầu. Zidane là một ví dụ như vậy. Anh ghi bàn thắng đẹp nhất lịch sử Champions League 15 ngày trước đó và khi giải bắt đầu, anh hầu như chỉ còn là cái bóng của chính mình. Zidane thi đấu mờ nhạt, tuyển Pháp cũng vì thế mà xuống phong độ nghiêm trọng.

 

Khó ai có thể tưởng tượng được nhà VĐTG và châu Âu phải ra về ngay sau vòng bảng. Đội thắng Pháp ngay trận đầu vòng bảng là Senegal thì khác, họ lần đầu tham dự World Cup, là một ẩn số và chỉ có thể được giải mã bởi Thổ Nhĩ Kì, cũng chỉ sau hai hiệp phụ, và trong trận tứ kết. Thổ Nhĩ Kì cũng là một ngựa ô khác. Họ đứng nhì bảng sau Brazil, thắng Senegal ở tứ kết như đã nói phía trên, và chỉ chiu dừng bước với tỉ số tối thiểu ngay sau đó, khi gặp lại chính Brazil.

Brazil và Ronaldo trở lại
Bỏ qua những nghi án xung quanh trận CK bốn năm trước tại Pháp, Ronaldo Lima bước vào giải đấu lần này với quyết tâm rất cao hòng đòi lại ngôi VĐ cùng đội tuyển xứ Samba. Một khi Ro đã quyết tâm thì chẳng một hàng phòng ngự nào, kể cả thủ thành xuất sắc Oliver Kahn có thể cản được anh. Chưa nói tới hai bàn thắng trong trận CK, Ronaldo trước đó đã có cho riêng mình sáu pha lập công từ đầu giải. Điều đáng tiếc duy nhất là anh đã không thể ghi bàn nào… bằng quả đầu để chỏm đặc biệt – thứ giúp con trai anh không bị nhầm lẫn với chú Roberto Carlos!

 


Ronaldo là ngôi sao lớn nhất của Brazil ở giải này nhưng cũng không vì thế mà người ta quên đi những đồng đội của anh, đội trưởng Cafu, tiền đạo đá cặp Rivaldo hay anh chàng Ro vẩu với cú cú sút phạt tung nóc lưới tuyển Anh, bàn thắng đã trở thành huyền thoại trong lịch sử World Cup. Đó là còn chưa kể đến những Lucio, Roberto Carlos hay “kém nổi” hơn chút ít là Giberto Silva và Edmilson. Với những cầu thủ kể trên, Brazil không VĐ World Cup lần này mới là lạ.

Ấn tượng khác
11 giây: Đó là khoảng thời gian cần thiết để Hakan Sukur bên phía Thổ Nhĩ Kì ghi bàn thắng đầu tiên trong trận tứ kết gặp Hàn Quốc. Bàn thắng đó cũng giúp Sukur giữ luôn kỉ lục ghi bàn nhanh nhất tại một trận đấu thuộc World Cup.
31/5: Đó là ngày khai mạc kì World Cup thứ 17 trong lịch sử nhân loại. Sở dĩ giải được đá sớm như vậy là do BTC muốn tránh những mùa mưa của khu vực Đông Á.
1 ngày: Đúng một ngày sau khi Mỹ để thua Đức tại tứ kết, tiền đạo trẻ Landon Donovan khi đó đã bay thẳng về nước, vào sân từ băng ghế dự bị và giúp CLB của anh Jose Earthquakes đánh bại Colorado Rapids tại giải nhà nghề Mỹ MLS.
Đội hình tiêu biểu:
Thủ môn: Oliver Kahn (Đức)
Hậu vệ: Cafu (Brazil), Rio Ferdinand (Anh), Hong Myung-bo (Hàn Quốc), Alpay Ozalan (Thổ Nhĩ Kì).
Tiền vệ: Ronaldinho (Brazil), Fadiga (Senegal), Michael Ballack (Đức), Hasan Sas (Thổ Nhĩ Kì).
Tiền đạo: Ronaldo (Brazil), Rivaldo (Brazil).

Tuấn Hiệp
(Thethao.vtv.vn)


TIN MỚI