Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tháo gỡ "điểm nghẽn" của phát triển

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/12/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Nhiều vụ việc ở cơ sở, thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp huyện nhưng lại bị đẩy lên tỉnh, thậm chí lên Trung ương.

Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và vượt cấp

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước sẽ góp phần khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh khi giải quyết công việc của dân. Đây cũng là yêu cầu bức thiết trong chủ trương của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay.

Đất đai là lĩnh vực phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nhất ở cơ sở thời gian vừa qua. Nhiều bức xúc của người dân đã không được giải quyết kịp thời từ sớm, dẫn đến nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài và vượt cấp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tháo gỡ điểm nghẽn của phát triển - Ảnh 1.

Nhiều bức xúc của người dân đã không được giải quyết kịp thời từ sớm, dẫn đến nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài và vượt cấp

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trong nhiều năm chỉ được tập trung giải quyết khi có sự chỉ đạo quyết liệt, phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trách nhiệm của từng tổ chức, từng cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Ban Tiếp công dân Trung ương, riêng trong năm nay đã tiếp thường xuyên hơn 3.200 lượt với hơn 10 nghìn lượt công dân đến trình bày hơn 2.500 vụ việc, trong đó có 344 lượt đoàn đông người.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tháo gỡ điểm nghẽn của phát triển - Ảnh 2.

Ban Tiếp công dân Trung ương riêng trong năm nay đã tiếp thường xuyên hơn 3.200 lượt với hơn 10.000 lượt công dân

Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương cho rằng, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo toàn toàn thuộc thẩm quyết giải quyết ở ngay cấp huyện, nhưng không phải địa phương nào cũng cầu thị, quan tâm để tập trung giải quyết từ sớm. Điều đó khiến cho nhiều bức xúc càng nảy sinh dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.

Phân cấp, ủy quyền để phục vụ người dân tốt hơn

Tại Hà Nội, một công việc được thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện đó là phân cấp, ủy quyền trong quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố. Đây cũng là một trong những địa phương tiên phong thực hiện phân cấp, ủy quyền trong quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính. Công việc này được thực hiện dựa trên nguyên tắc những gì cấp dưới có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ phân cấp cho cấp dưới thực hiện, tránh ôm đồm, hướng đến giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.

Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế, giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện. Việc phân cấp, ủy quyền của Hà Nội gắn chặt với cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tầng nấc xử lý các nhiệm vụ, rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục; qua đó, giải quyết kịp thời và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu từ thực tiễn.

Theo Đề án và Nghị quyết về phân cấp, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 634 thủ tục hành chính (đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố) được phân cấp, ủy quyền.

Về nhiệm vụ quản lý Nhà nước, ít nhất có 210 nhiệm vụ chính trong 15 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền.

Nhiều lĩnh vực có phân cấp mạnh hơn trong quản lý, như đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư với chiếu sáng, thoát nước, đầu tư chợ, trường học… Việc phân cấp rõ ràng, rành mạch như vậy giúp giải phóng nguồn lực của những quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền - Vấn đề cấp thiết đặt ra

Câu chuyện về một bóng đèn hỏng nhưng phải báo cáo và chờ thành phố thay. Hay những dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, nằm đắp chiếu, nhưng đến nay, trong một số trường hợp, trách nhiệm thuộc về ai vẫn là vấn đề chưa được làm rõ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tháo gỡ điểm nghẽn của phát triển - Ảnh 3.

Những dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng, nằm đắp chiếu

Đây là những bất cập nảy sinh khi phân cấp, phân quyền chưa hợp lý hoặc không rõ ràng, rành mạch. Thẩm quyền chưa đi liền trách nhiệm. Những bất cập này là "điểm nghẽn" của phát triển và rất cần sớm được tháo gỡ quyết liệt và đồng bộ ở tất cả các cấp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước là yêu cầu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 ban hành mới đây, đặc biệt là Nghị quyết 27 và 28 về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng đã thể hiện rõ nét tư tưởng chỉ đạo này.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là vấn đề cấp thiết đặt ra. Thẩm quyền và trách nhiệm của từng tổ chức, từng cá nhân trong bộ máy cũng cần phải được xác định rõ ràng. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đây là giải pháp quan trọng để khắc phục những bất cập hiện nay, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước