Chiêu thức lách thuế của các công ty công nghệ

Anh Tuấn (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 12/09/2017 21:20 GMT+7

VTV.vn - Vẫn tồn tại những lỗ hổng về thuế tại nhiều nước - khi các hãng công nghệ lớn trên thế giới tận dụng những lỗ hổng này để né thuế.

Theo một nghiên cứu của EC, tình trạng lách thuế làm Liên minh thất thu khoảng 80 tỷ Euro mỗi năm. Một công ty trung bình, hoạt động tại một nước châu Âu, có thể phải đóng thuế nhiều hơn 30% một công ty quy mô lớn mà lách thuế. Điều này cho thấy vẫn tồn tại những lỗ hổng về thuế tại nhiều nước - khi các hãng công nghệ lớn trên thế giới tận dụng những lỗ hổng này để né thuế và giành thị phần bất bình đẳng. 

Một chiến lược thường được các công ty công nghệ đa quốc gia áp dụng để lách thuế là mô hình Người Ireland kép và Bánh kẹp Hà Lan (Double Irish and Dutch Sandwich). Mô hình này kết hợp các quy định về ưu đãi thuế hiện hành của Ireland, Hà Lan với một thiên đường thuế để giảm thiểu số thuế phải nộp.

Ví dụ, một công ty quảng cáo trả tiền cho một đoạn quảng cáo trên Google tại Australia.

=>Tiền quảng cáo chảy vào chi nhánh của Google tại Ireland vốn giữ bản quyền sở hữu trí tuệ.

=> Thuế tại Ireland là 12,5% nhưng công ty Ireland lại đồng chi trả tiền bản quyền phát minh cho 1 chi nhánh Google tại Hà Lan - mà khi đó sẽ được giảm thuế.

=>Công ty Hà Lan trả tiền lại cho một công ty vỏ bọc khác của Google tại Ireland mà lại không phải chịu mức thuế nào do giao dịch trong EU

=> Công ty thứ 2 này được điều hành từ Bermuda, vốn là một thiên đường thuế, vì thế nó cũng không phải trả thuế.

Nhờ mô hình Người Ireland kép và Bánh kẹp Hà Lan mà mức thuế Google phải nộp tại các thị trường nước ngoài chỉ vào khoảng 6% trong năm 2015 - tức chỉ bằng ¼ so với mức thuế thông thường.

Trong khi đó, một đại gia công nghệ khác là hãng Apple lại có chiêu thức mua iPhone từ Trung Quốc thông qua chi nhánh Ireland, rồi bán cho các nhà phân phối riêng của Apple. Năm 2012, toàn bộ khoản doanh thu 63,9 tỷ USD từ iPhone và lợi nhuận vòng kiểu này đã được chuyển tới Ireland.

Còn Microsoft lại bán quyền khai thác thị trường Mỹ cho một chi nhánh ở Puerto Rico. Công ty này sao chép phần mềm của đại bản doanh Redmond (Microsoft) rồi bán cho các nhà phân phối tại Mỹ, kiếm doanh thu 6,3 tỷ USD mà không phải chịu thuế.

Hình thức chuyển giá này đặc biệt hữu dụng đối với các tập đoàn công nghệ, vốn có tài sản lớn về trí tuệ. Bằng cách bán quyền sở hữu trí tuệ cho chi nhánh "con rối" ở nước ngoài, các công ty công nghệ tìm cách chuyển lợi nhuận tới những quốc gia có mức thuế cực thấp, tránh được hàng tỷ USD tiền thuế. Cần phải nói thêm là mô hình này tuân thủ quy định về thuế tại các nước có liên quan và có thể được coi là hoàn toàn hợp pháp.

Vấn đề kiểm soát thuế của các đại gia công nghệ lớn luôn là một vấn đề phức tạp. Châu Âu muốn tránh thất thu thuế, nhưng cũng không muốn áp dụng quá nhiều quy định ràng buộc để rồi không giữ chân được các gã khổng lồ công nghệ vốn mang lại việc làm và các sáng chế giúp châu Âu gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu. Trước mắt, Ủy ban châu Âu đã yêu các quốc gia thành viên của EU phải công bố số liệu kế toán và thuế của các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia tại mỗi nước thành viên. Đồng thời, các nước thành viên EU sẽ đưa những thay đổi vào hệ thống luật quốc gia từ nay cho tới năm 2019.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước