Nhận diện và ngăn chặn chiêu trò lừa đảo tài chính phổ biến

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/02/2023 17:36 GMT+7

VTV.vn - Thiệt hại lừa đảo trực tuyến gây ra khó có thể ước tính được hết vì các nạn nhân thường có tâm lý bỏ qua "mất rồi thì thôi", ngại các thủ tục trình báo, pháp lý phức tạp.

Năm 2022, Việt Nam có 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Hơn 75% trong đó là lừa đảo tài chính. Điều này có nghĩa là có tới hơn 10.000 trường hợp chiếm đoạt tiền của người dùng. Những kẻ lừa đảo thì có muôn hình vạn trạng để dụ dỗ các nạn nhân và đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn khiến con mồi sập bẫy.

Mạo danh - Chiêu trò lừa đảo trực tuyến phổ biến

Mặc dù đã thực hiện 2 lớp bảo mật, tài khoản Facebook của một số người dùng vẫn bị các đối tượng chiếm đoạt. Sau đó, xuất hiện liên tiếp các cuộc điện thoại đe dọa nạn nhân hay mạo danh để vay tiền bạn bè, người thân nạn nhân.

Không chỉ mạo danh các ngân hàng, các cơ quan, các tổ chức uy tín, những kẻ lừa đảo thậm chí còn cả gan mạo danh các cơ quan an ninh để gây sức ép, khiến nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản của chúng rồi chiếm đoạt.

Nhận diện và ngăn chặn chiêu trò lừa đảo tài chính phổ biến - Ảnh 1.

Không ít người khi nhận được những cuộc gọi như vậy đã hoang mang, lo sợ. Để tránh rắc rối, họ thường làm theo hướng dẫn của những kẻ lừa đảo. Và tiền bạc cũng vì vậy không cánh mà bay.

Làm gì để không bị kẻ gian chiếm đoạt tiền từ tài khoản?

Dễ dàng nhận ra rằng, khi những kẻ lừa đảo đạt được mục đích lừa tiền, chúng ngay lập tức bỏ rơi các nạn nhân, biến mất không để lại dấu vết. Ngay cả khi cơ quan công an có phá được vụ án, triệt phá được đường dây lừa đảo, việc lấy lại tài sản cơ bản là khá khó khăn. Do đó, người dân cần chủ động bảo vệ tài sản của mình như khuyến cáo của các chuyên gia.

Nhận diện và ngăn chặn chiêu trò lừa đảo tài chính phổ biến - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Cổ phần An toàn thông tin Cyradar, trong các giao dịch hàng ngày, việc đầu tiên người dân cần chú ý là cần cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, giới thiệu các chương trình khuyến mãi từ các nhà cung cấp dịch vụ, thậm chí cả người thân. Để tránh trường hợp bị đánh cắp tài khoản, người dân cần chủ động thiết lập bảo mật tài khoản đủ tốt, từ mật khẩu cho tới các thông số đi kèm để khôi phục mật khẩu khi xảy ra sự cố.

Nhận diện và ngăn chặn chiêu trò lừa đảo tài chính phổ biến - Ảnh 3.

Ông Trần Minh Quảng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng, Viettel Cyber Security - cho biết, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính uy tín khi liên hệ với người dùng đều có quy trình xác minh. Với những lời giới thiệu, mời chào không đến từ những nơi uy tín đã được xác minh, người dân nên cân nhắc việc cung cấp những thông tin cá nhân hay đóng các khoản phí.

Khi ngày càng có nhiều các công nghệ mới thì hình thức lừa đảo trên mạng lại càng ngày càng gia tăng và hậu quả sẽ ngày càng lớn hơn. Chính vì vậy, để phòng ngừa bị lừa đảo, người dùng cần tạo ra lớp lá chắn đầu tiên, trang bị cho mình kiến thức về tài chính, công nghệ cơ bản, luôn cảnh giác khi giao tiếp trên không gian mạng và đặc biệt là không để kẻ xấu lợi dụng lòng tham để đưa chúng ta vào bẫy.

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo thông tin trên mạng Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo thông tin trên mạng

VTV.vn - Trả lời tin nhắn rồi bị đánh cắp thông tin, nhập mã OTP rồi bị lừa tiền... Cần làm gì để không mắc bẫy những thủ đoạn lừa đảo thông tin đang gia tăng trên mạng?


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước