Châu Tinh Trì “phá” Tây du ký

Hoàng Phương (TTVH) -Thứ sáu, ngày 22/02/2013 17:40 GMT+7

 Phim của Châu Tinh Trì luôn chinh phục được thị trường châu Á, và ngay cả Việt Nam, số lượng khán giả hâm mộ Châu Tinh Trì không phải là ít.

Ai là danh hài đệ nhất Hong Kong từ thập niên 1990 cho đến nay? Diễn viên nào được mong chờ nhiều nhất mỗi khi có phim mới? Trong làng điện ảnh Hoa ngữ, đạo diễn nào luôn gây sự tò mò và bất ngờ nhất cho khán giả một thập niên trở lại đây? Câu trả lời thì có thể có nhiều nhưng Châu Tinh Trì quyết không xếp hạng nhì, chỉ đứng hàng nhất. Phim của anh luôn chinh phục được thị trường châu Á, và ngay cả Việt Nam, số lượng khán giả hâm mộ Châu Tinh Trì không phải là ít.

1. Với Tây du ký: Mối tình ngoại truyện, Châu Tinh Trì (lần đầu tiên không xuất hiện trong phim của mình) đã lôi kiệt tác văn học của nhà văn Ngô Thừa Ân ra “phá” tan hoang. Câu chuyện giờ đây được nhìn theo một hướng hoàn toàn khác, đầy mới mẻ.

Bộ phim lấy bối cảnh trước khi Trần Huyền Trang (Văn Chương) xuất gia, đang là một pháp sư hàng yêu ngờ nghệch. Được sự trợ giúp của nữ pháp sư họ Đoạn (Thư Kỳ), Huyền Trang lần lượt thu phục ba tên yêu quái gớm ghiếc, về sau này trở thành đệ tử của ông trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh, gồm Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng.

2. Phong cách hài của Châu Tinh Trì nếu nói là độc đáo thì chẳng khác gì vả vào miệng anh, phải nói là độc nhất vô nhị mới chính xác nhất. Thô thì có thô đấy, dơ thì dơ đấy, bậy thì đôi lúc bậy đấy nhưng luôn ẩn chứa bên trong ý nghĩa về cuộc sống. Phim của Châu Tinh Trì trong bi có hài, trong hài có bi, trong vô tâm có chân tình. Chúng luôn đi song hành, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Cái hài thể hiện một sự nghịch ngợm, khác lạ… đến độ thông minh. Cảnh trước khán giả cứ ngỡ nhân vật rẽ bên đông nhưng cảnh sau nhân vật thực tế rẽ bên tây, có khi dậm chân tại chỗ. Người xem chẳng thể lường trước được bất cứ sự biến hóa nào trong phong cách hài của Châu Tinh Trì.

Một điểm đặc trưng khác mà Châu Tinh Trì hay thể hiện, đó là thân phận một số nhân vật bị dồn nén xuống tận cùng của xã hội, thậm chí chẳng bằng con súc sinh nhưng họ luôn vươn lên (dù vô tình hay hữu ý) để rồi đến một lúc nào đó sẽ thay đổi số mệnh. Điều này thể hiện rất rõ khi Châu Tinh Trì quyết định hướng sự nghiệp sang con đường mới với King of Comedy (1999). Vẫn xuất hiện trên màn ảnh rộng, tuy nhiên, Châu Tinh Trì dồn toàn tâm toàn lực vào vị trí đạo diễn. Sức sáng tạo kinh khủng của anh được minh chứng qua thành công của Shaolin Soccer (2001) và Kungfu Hustle (2004). Dù CJ7 cách đây 5 năm có phần hơi đuối nhưng anh đã kịp trở lại với Tây du ký: Mối tình ngoại truyện.

3. Khán giả chẳng thể ngờ những nhân vật truyền kỳ như Huyền Trang, Ngộ Không lại biến đổi một cách hài hước như vậy. Vẫn giữ nguyên phong cách nhảm từ trước tới nay, nhưng kiểu hài nhảm đó được Châu Tinh Trì nâng lên thành một nghệ thuật. Về phần hành động, kỹ xảo, chẳng có gì phải phàn nàn nếu bạn từng mãn nhãn trước Đội bóng thiếu lâm hay Tuyệt đỉnh Kungfu. Nối tiếp Shaolin Soccer, Kungfu Hustle, Châu Tinh Trì vẫn khai thác ý nghĩa của phật pháp vô biên. Đây cũng là nét riêng của anh ở giai đoạn sau sự nghiệp.

Điểm duy nhất trong phim khác biệt với những phim trước đó là tính bạo lực, máu me ghê rợn được đẩy lên cao hơn. Kungfu Hustle, Shaolin Soccer cũng bạo lực đấy nhưng đã bị cái hài khỏa lấp đi. Còn trong Tây du ký: Mối tình ngoại truyện, có nhiều trường đoạn khán giả bị ảm ảnh vì không khí cực kỳ ma quái.

Sau vài năm vắng bóng, Châu Tinh Trì đã trở lại và thực sự rất lợi hại. Các fan của anh hoàn toàn có thể hài lòng với Tây du ký: Mối tình ngoại truyện. Một tác phẩm không nên bỏ qua.

Phim đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước