Chữ Quốc ngữ và chặng đường 130 năm

Linh Chi-Thứ hai, ngày 09/01/2012 07:00 GMT+7

130 năm so với lịch sử của một chữ viết không phải là quá dài, nhưng trong 130 năm ấy ẩn chứa nhiều câu chuyện về lòng yêu nước, về tinh thần bất khuất của một dân tộc quyết không bị đồng hóa.

Những học giả đóng góp vào việc phát triển chữ Quốc ngữ tại VN đầu thế kỷ XX. (Ảnh: Internet)
Ngày 1 tháng 1 năm 2012 đánh dấu tròn 130 năm chữ Quốc ngữ được chính quyền thực dân Pháp chính thức áp dụng ở nước ta, năm 1882. 130 năm so với lịch sử của một chữ viết không phải là quá dài, nhưng trong 130 năm ấy ẩn chứa nhiều câu chuyện về lòng yêu nước, về tinh thần bất khuất của một dân tộc quyết không bị đồng hóa. Nhưng trải qua hơn 100 năm lịch sử, việc sử dụng chữ Quốc ngữ với bộ chữ cái La-tinh được nhìn nhận đã đặt nền móng cơ bản để Việt Nam tiếp nhận những giá trị tri thức hiện đại từ phương Tây. Và cho đến ngày nay, chữ Quốc ngữ, chữ Việt vẫn luôn được gìn giữ.
Thầy Dương Thanh Tuấn - 10 Hàng Mành, Hà Nội nói: “Chữ tượng hình nói chung thể hiện theo kiểu khác, còn chữ Quốc ngữ của ta thể hiện nét đẹp theo kiểu khác. Cái sự mềm mại, nét thanh nét đậm rất uyển chuyển. Nét chữ cũng là nét người, nó khơi dậy cho người ta cái thẩm mỹ. Và theo tôi, viết chữ đẹp cũng là một cách bảo tồn vốn văn hóa cổ của cha ông để lại”.
Để có được ngày hôm nay, chữ Quốc ngữ đã phải trải qua một quá trình dài. Trở lại lịch sử vào những năm cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp ra quyết định kể từ ngày 1/1/1882, toàn Nam Kì sử dụng chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức. Ra đời chỉ 20 năm sau khi Pháp xâm lược nước ta, khi mà nỗi nhục mất nước và tinh thần kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân và các sĩ phu yêu nước còn nóng hổi, quyết định này đối với những sĩ phu yêu nước lúc đó là ẩn chứa một âm mưu.
Nhà giáo nhân dân, GS.TS Đoàn Thiện Thuật - Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “Âm mưu ấy có mục đích cai trị, họ đào tạo ra một tầng lớp tiếp cận cùng cộng tác với họ để làm việc. Mục đích thứ hai nữa là để đoạn tuyệt với văn hóa cũ của chúng ta, cách ly giáo dân và dân thường với nho sĩ”.
Cũng bởi tinh thần yêu nước, kiên quyết không thỏa hiệp với giặc ngoại xâm, nên những ngày đầu, chữ Quốc ngữ đã bị phản đối quyết liệt. Vậy vì đâu mà chữ Quốc ngữ đã dần thay thế chữ Nôm và chữ Hán, để trở thành chữ viết chính thức của dân tộc ta?
Theo NGND, GS.TS Đoàn Thiện Thuật, các sĩ phu yêu nước đã nhận ra rằng chữ Quốc ngữ dễ học hơn. Vì vậy, họ đã chủ trương dùng chữ Quốc ngữ làm một công cụ để giáo dục nhân dân, tuyên truyền cách mạng và còn để mở mang dân trí, nâng cao dân trí và duy tân.
“Chữ I hình như cái móc, có chấm trên đầu” - Đó là cách dạy cho học viên trong cuốn tài liệu của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ mà ông Nguyễn Thìn Xuân - một hội viên của hội còn giữ được. Chính từ cách dạy dễ hiễu, dễ nhớ này mà từ năm 1938 đến năm 1944, Hội đã dạy cho hàng vạn người dân nghèo bị áp bức đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ. Và cũng qua những con chữ, lòng yêu nước và tinh thần cách mạng đã được lan truyền trong nhân dân.
Ông Nguyễn Thìn Xuân kể lại: “Các thành viên trong Hội đi về nông thôn, vận động phong trào thì ban đêm nằm ở ruộng khoai, đến sáng ra thì đi lẫn lộn với đồng bào trong thôn. Chúng tôi cũng không nói được gì nhiều, mà chuẩn bị sẵn mẩu giấy ghi chống phu, chống thuế, đút vào túi người ta. Người ta biết đọc, biết viết rồi người ta thấy ngay, đấy là một hình thức tuyên truyền cách mạng hiệu quả”.
Sau này, chính những hội viên của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ đã trở thành những thành viên tích cực của phong trào Bình dân học vụ, diệt giặc dốt. Nhờ có phong trào này, dân tộc ta từ chỗ có đến hơn 95% người mù chữ, chỉ sau 1 năm đã có hàng triệu người đọc thông viết thạo.

Và chữ Quốc ngữ đến nay đã trở thành chữ viết của lòng tự hào dân tộc và luôn được gìn giữ như một bản sắc văn hóa quan trọng của người Việt.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước