"Giải mã cuộc sống": Tiếng chuông linh thiêng của nhà thờ lớn

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ ba, ngày 07/11/2023 09:24 GMT+7

VTV.vn - Tháp chuông là một phần quan trọng của kiến trúc nhà thờ, trong khi đó tiếng chuông lại được coi là yếu tố linh thiêng không thể tách rời.

Nhà thờ lớn Hà Nội từ lâu đã là một công trình mang tính biểu tượng của thành phố. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách gothic trung cổ châu Âu, dựa theo mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm cuốn nhọn, hướng lên bầu trời.

Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 24,5m, ở mặt trước là hai tháp chuông cao 31,5m với những chùm đá to, nặng 4 góc, trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Ngôi nhà thờ cổ kính đã có hơn 130 năm và cũng ngót nghét từng ấy năm, tiếng chuông được vang lên mỗi ngày hay những dịp đặc biệt của người Công giáo.

Giải mã cuộc sống: Tiếng chuông linh thiêng của nhà thờ lớn - Ảnh 1.

Có thể nói, tháp chuông là một phần quan trọng không thể thiếu của kiến trúc nhà thờ và tiếng chuông được coi là một trong những yếu tố linh thiêng không thể tách rời. Tháp chuông thường là nơi cao nhất của nhà thờ cũng tượng trưng cho vị trí quan trọng của những quả chuông. Tháp chuông càng cao thì tiếng chuông càng bay xa.

Không phải ai cũng có thể lên cầu thang dẫn tới tháp chuông của nhà thờ lớn. Không gian phía dưới đã được nhà thờ tu sửa nên khá khang trang, tuy nhiên, bước càng lên cao, những thanh xà gỗ cổ có tuổi đời cả trăm năm tạo ra cảm giác vừa e dè, vừa tò mò, phấn khích.

Tại không gian tháp bên phải nhìn từ ngoài vào có 4 chiếc chuông, trong đó chuông treo cao nhất là chuông Memento có tiếng ngân trầm nhất và được gọi là chuông buồn. Chuông này chỉ được đánh khi có một người Công giáo qua đời. 3 quả chuông còn lại ngân lên hàng ngày theo từng giờ lễ.

Giải mã cuộc sống: Tiếng chuông linh thiêng của nhà thờ lớn - Ảnh 2.

Chuông Tuyên Quang ở không gian tháp bên phải của nhà thờ lớn.

Một chi tiết đáng lưu ý đó là trên những chiếc chuông này có khắc một dòng chữ tiếng Pháp. Đây là xưởng đúc chuông ở Paris hoạt động ở thế kỷ XIX. Xưởng đúc chuông này được thành lập bởi Nicola Hildebrand vào khoảng năm 1820, đươc liệt kê là nhà máy sản xuất chuông, chiêng và chúm choè. Sau này, xưởng chỉ chuyên đúc chuông nhà thờ. Những sản phẩm của xưởng này được đánh giá rất cao về chất lượng, dành được nhiều giải thưởng.

Quả chuông Donkin được đặt riêng ở phía bên tháp trái, tách biệt với 4 quả chuông còn lại phần nào cũng cho thấy quy mô và sự quan trọng của nó trong những dịp lễ lớn của nhà thờ. Chỉ có đại lễ Giáng sinh và một số ngày lễ lớn, quả chuông này mới được ngân vang xa tới vài km, thậm chí ở bên kia cầu Long Biên cũng có thể nghe thấy.

Giải mã cuộc sống: Tiếng chuông linh thiêng của nhà thờ lớn - Ảnh 3.

Chuông Donkin được đặt riêng biệt phía bên tháp trái.

Xưa kia, tháp chuông này được xây dựng bằng những vật liệu như vôi, vữa, giấy bồi... Những vật liệu này cũng khiến cho kết cấu cộng hưởng của tháp chuông trở nên khác biệt so với việc xây dựng bằng các vật liệu sau này như xi măng.

Không giống với cách đánh chuông của nhà chùa, chuông nhà thờ lớn đánh nhanh, chậm tuỳ vào mục đích thông báo khác nhau. Chuông chùa thường là chuông ngang, thường chỉ có một quả, có dạng hình trụ thuôn dài và hơi loe ở đáy chuông. Với chuông nhà thờ, nó thường được làm theo dạng chuông đứng, có quả lắc bên trong để tạo ra âm thanh. Hình dáng chuông từ trên xuống là đầu chuông liên với vai chuông, vai nối với eo chuông thành hình cong để đưa tiếng chuông vang xa. Độ dày, mỏng của eo chuông sẽ quyết định đến độ chính xác tần số giao động của âm thanh, nghĩa là tiếng chuông đúng với nốt nhạc đã định.

Giải mã cuộc sống: Tiếng chuông linh thiêng của nhà thờ lớn - Ảnh 4.

Ông Đào Mạnh Tiến năm nay đã ngoài 70 tuổi. Đã từ hàng chục năm nay, ông gắn bó mật thiết với nhà thờ và ông chính là người kéo chuông cuối cùng của nhà thờ lớn Hà Nội. Hơn hai thập kỷ qua, ông Tiến luôn dậy lúc 4h30 sáng ngày thường và 4h ngày lễ để hoàn thành công việc. Ngoài kéo chuông, ông còn nắm giữ hơn 20 chìa khoá các cửa, đảm nhiệm việc lau nhà thờ, treo cờ, tưới cây.

Ông tâm sự, vì tận tuỵ công việc mà hiếm khi đi ra khỏi khu phố cổ. Quê chỉ cách 18km nhưng ông không dám về vì sợ nhỡ công việc nhà thờ. Chiều muộn, mái đầu bạc của ông lẻ loi giữa dòng đời tấp nập. Tình yêu của ông với nơi này phải phất hình ảnh của thằng gù Quasimodo của đại thi hào Victor Hugo coi nhà thờ Đức Bà Paris là tổ ấm của mình, vũ trụ của mình. Quasimodo đã kéo chuông đến điếc cả tai còn ông Tiến đã dành hơn 20 năm kéo chuông và giờ vẫn tiếp tục gắn tuổi già của mình với chốn ấy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước