Những cách đơn giản để phòng chống cháy nổ ngay tại nhà

Minh Đức-Thứ ba, ngày 06/12/2016 09:36 GMT+7

VTV.vn - Dịp cuối năm là thời điểm thường xuyên xảy ra cháy nổ do thời tiết hanh khô và người dân còn chủ quan trong việc phòng tránh.

Thời điểm cuối năm luôn là khoảng thời gian vô cùng "nóng" khi những vụ cháy lớn thường xuyên xảy ra. Mới đây, chỉ trong ngày 2/12 đã xảy ra 2 vụ cháy liên tiếp trên địa bàn thành phố Hà Nội, trước đó cũng đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn có tính chất nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại về người và của.

Các vụ cháy lớn hầu hết đều diễn ra tại các cửa hàng kinh doanh nhưng không thể vì thế mà các hộ gia đình lơ là công tác PCCC. Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC đội số 2, Công an TP Hà Nội cho biết: "Các cơ sở kinh doanh thường để nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy nên việc trang bị hệ thống PCCC là bắt buộc. Riêng những nhà dùng làm nơi sinh sống của các hộ gia đình thì càng phải cẩn trọng và hiểu biết trong việc PCCC, vì nhà để ở cũng có rất nhiều những nguy hiểm cháy nổ rình rập".

"Thói quen của người Việt Nam là sắp xếp nơi đun nấu tại tầng một. Mà tầng 1 thì thường để rất nhiều thứ dễ cháy như bàn gế, tủ bếp, tủ giày dép, xe máy... Những ngôi nhà tại Hà Nội thường có diện tích nhỏ nên thường được xây cao lên để lấy thêm tầng để ở. Vậy nên nếu xảy ra cháy nổ ở tầng 1 thì lửa và khói sẽ hun từ dưới lên, khó thoát và nguy hiểm hơn" - Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm. 

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thoát nạn khi bị mắc kẹt trong đám cháy ở nhà dạng ống, Đại tá Trường Sơn cho biết: "Nếu tầng dưới bị cháy mà bạn đang ở tầng trên, tình trạng khói hun mù mịt có thể khiến bạn bị ngộ độc khí, ngạt thở gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn xác định được lực lượng cứu hỏa đã đến và đám cháy không có dấu hiệu lan đến mà chỉ có khói, thì bạn nên dùng một cuộn băng dính, bịt kín các lỗ hổng của phòng để tránh khói tràn vào, chờ đội cứu hộ đến giải cứu".

Những cách đơn giản để phòng chống cháy nổ ngay tại nhà - Ảnh 1.

Nếu đang trong phòng kín mà lửa không lan tới thì có thể dùng băng dính để bịt các lỗ hổng của cửa để tránh khói tràn vào

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cũng chia sẻ kinh nghiệm về PCCC, theo ông hiện nay có rất nhiều người dân sợ nổ bình ga, nhưng thực chất là nổ khí ga chứ không phải nổ bình. "Nhiều người cứ nhìn thấy bình cháy thì lập tức bỏ chạy khiến ngọn lửa lan ra không kiểm soát được gây cháy lớn. Thực chất, bình ga không thể nổ, chỉ có khí ga bị rò rỉ ra ngoài dày đặc, gặp tia lửa điện thì mới gây cháy phát nổ diện rộng. Nếu thấy bình ga cháy thì đừng bỏ chạy, hãy bình tĩnh lấy khăn ướt phủ lên vùng cháy để dập lửa và chặn khí ga rò rỉ. Muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối với bình ga, khi nấu ăn xong phải vặn chặt cổ bình ga lại, thường xuyên kiểm tra van và dây cao su nối với van". Đại tá cho biết, dây cao su được sử dụng trong bình ga dùng một thời gian có thể bị ô xi hóa khiến ga rò rỉ, người dân có thể kiểm tra những dây dẫn này bằng nước xà phòng đặc để biết có bị hở hay không.

Khi phát hiện khí ga bị rò rỉ trong nhà, người dân tuyệt đối không được bật hay tắt nguồn điện, nên nhanh chóng vặn chặt van ga lại, mở cửa thông thoáng để xua khí ga, gọi một người ngoài vào để xác nhận còn mùi ga hay không, sau đó gọi người chuyên sửa bình ga đến để xử lý triệt để việc rò rỉ. Đại tá Trường Sơn cũng đưa ra lời khuyên: "Ga là một loại khí không màu, không mùi nên khi sản xuất ga, người sản xuất thường trộn thêm mùi để người dân có thể phát hiện được ga có bị rò rỉ hay không. Người dân có thể mua thêm 1 thiết bị báo động khí ga, nếu hở ga có mùi thì máy này sẽ phát ra tiếng kêu, báo động cho chủ nhà".

Những cách đơn giản để phòng chống cháy nổ ngay tại nhà - Ảnh 2.

người dân không nên hoảng loạn khi xảy ra tình huống cháy bình ga, cần bình tĩnh để dập tắt lửa để tránh gây cháy to hơn

Đối với các vật dụng trong nhà như quạt thông gió, máy hút mùi... thì phải vệ sinh thường xuyên, vì nếu để hoạt động quá lau thì sẽ khiến bụi, dầu mỡ bám đầy máy có thể gây tắc, làm cháy máy, nghiêm trọng hơn là gây chập điện, cháy nhà.

"Các gia đình nên tính toán điện tải lớn hơn 1,5 lần tổng hiệu suất của cả gia đình để đảm bảo không bị chập cháy điện do quá tải. Người dân cũng có thể thử dây điện thật, giả bằng cách đơn giản là cắt dây ra, dùng bật lửa để châm vào, khi bỏ bật lửa ra dây điện tắt ngay thì là dây xịn vì dây điện phải làm bằng vật liệu khó cháy, còn nếu châm lửa vào mà dây dễ cháy thì là dây hàng kém chất lượng, không nên dùng" - Đại tá Trường Sơn cho biết.

Ngoài ra, các thiết bị điện khác như tủ lạnh, máy nóng lạnh, máy bơm thì nên rút dây điện khi không dùng, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị, đặc biệt là bình nóng lạnh để tránh gây cháy nổ. Đại tá Trường Sơn cũng khuyên: "Mỗi một nhà nên trang bị 1 đến 2 bình cứu hỏa. Mỗi một bình chỉ có giá khoảng 300.000 đến 400.000 đồng mà thôi, đặt bình ở nơi dễ nhìn, dễ lấy để ngay khi có cháy thì mang ra sử dụng. Số tiền bỏ ra mua bình cứu hỏa không đáng là bao so với số tài sản có thể bị mất khi xảy ra hỏa hoạn".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước