Phần mềm hỗ trợ trẻ tự kỷ giao tiếp

Hoàng Giang-Thứ năm, ngày 12/07/2012 12:00 GMT+7

Một nhóm các nhà tâm lý học tại Tây Ban Nha đã hợp tác với các kỹ sư phần mềm phát triển phần mềm máy tính có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của các em nhỏ không may mắc bệnh tự kỷ.

Joanes là một cậu bé khỏe mạnh và vui tươi cho đến khi lên 1 tuổi. Khi ấy, Joanes trở nên khác biệt, tách biệt khỏi mọi người xung quanh, ngay cả với cha mẹ. Bác sĩ tâm lý chẩn đoán em bị mắc chứng tự kỷ. Đầu năm nay, bác sĩ tâm lý đã đề nghị gia đình cho phép Joanes tham gia vào việc thử nghiệm phần mềm giúp trẻ tự kỷ giao tiếp mang tên E-mintza. Theo mẹ của Joanes, phần mềm này đã mang đến cho bé những thay đổi tích cực.

“Trước đây cháu hiếm khi giao tiếp với chúng tôi, cháu sử dụng một số từ bất kỳ mà đôi khi không có nghĩa gì, thậm chí cháu còn không hiểu chúng tôi muốn nói gì với cháu. Bây giờ thì cháu đã có thể nói được cả câu, nhờ vào phần mềm e-mintza, cháu có thể hiểu được chúng tôi nói gì. Không chỉ có thế, cháu còn làm chúng tôi bất ngờ khi có thể nói với chúng tôi là cháu muốn đi xe tới San Sebastian”, bà Maria Jose Pozo nói.
E-mintza có một cơ sở dữ liệu 400 hình ảnh, nhưng cho phép người sử dụng tải thêm số lượng hình ảnh tùy chọn lên tới 4000. E-mintza tạo ra trò chơi bằng việc kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh, thông qua các trò chơi, E-mintza dạy người tự kỷ giao tiếp.
Cha của bé Joanes tin rằng, chương trình "e-mintza" đã giúp con mình vượt qua trở ngại về giao tiếp. "Trước đây cháu không thể giao tiếp nên cháu thường thất vọng, nhưng bây giờ khi cháu có thể giao tiếp, cháu vui vẻ hơn và muốn nói chuyện với mọi người nhiều hơn nữa”, ông Marcos Olaizola cho biết.
Ý tưởng đằng sau E-mintza khá đơn giản, đó là tạo ra một phần mềm nói hộ người thiếu khả năng giao tiếp. Theo các nhà nghiên cứu, phần mềm này có thể không chỉ giúp người bệnh tự kỷ giao tiếp, mà còn có thể áp dụng cho bệnh nhân Parkison hay Alzeimer.
Ông Joaquin Fuentes, nhà tâm lý học trẻ em nhấn mạnh: “Số lượng những người không thể giao tiếp trên thế giới rất lớn, mặc dù vậy có nhiều người có trí nhớ hình ảnh rất tốt, vì vậy chúng tôi quyết định tạo ra một phần mềm dựa trên trí nhớ hình ảnh để giảm gánh nặng của việc thiếu khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Mục đích của E-mintza là tạo ra một thiết bị nói giúp họ”.
Phần mềm E-mintza có thể chạy trên nhiều nền tảng máy tính và điện thoại thông minh khác nhau. Mặc dù mới được đưa lên mạng từ tháng 11 năm ngoái, nhưng phần mềm này đã được tải xuống tới 30.000 lần.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước