Triệu chứng và điều trị bệnh sỏi đường tiết niệu

Nguyệt Ánh-Thứ ba, ngày 05/06/2012 14:00 GMT+7

Với bệnh sỏi đường tiết niệu, ngoài những biến chứng cấp tính thì nhiều người lại không có biểu hiện triệu chứng gì rõ ràng nên đến khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn.

Tuy có nhiều cách chữa như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, phẫu thuật, uống thuốc làm tan sỏi nhưng có tới hơn 60% số người từng bị sỏi thận sẽ bị tái phát. Do đó việc ngăn ngừa tái phát sỏi sau điều trị là rất quan trọng.

Sỏi hình thành do lượng nước cung cấp cho cơ thể hàng ngày chứa nồng độ các chất khoáng như canxi, oxalat, muối urat, natri hay phốtpho cao, thường lắng đọng trong đài, bể thận và kết thành sỏi. Sỏi thận có bề mặt xù xì, sắc nhọn nên rất dễ làm tổn thương thận dẫn đến suy thận.
Với những bệnh nhân nặng, khối sỏi có thể gây đau, tắc đường tiết niệu và nhiễm khuẩn, rất nguy hại cho sức khỏe.
Sỏi đường tiết niệu rất dễ tái phát, do đó cần tuân thủ chế độ uống nhiều nước với khoảng 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày; Ăn nhạt, sử dụng thực phẩm chứa ít muối, giảm các loại thịt động vật; Hạn chế thực phẩm chứa calci nhưng không khiêng cữ quá mức vì như thế sẽ gây mất cân bằng trong việc hấp thu calci, dễ dẫn đến bị loãng xương.
Với người có lượng oxalate bài tiết trong nước tiểu cao hơn bình thường thì không nên dùng thực phẩm chứa nhiều oxalate như trà đặc, ngũ cốc, rau muống, sôcôla, cà phê…
Nên uống nhiều nước cam, chanh tươi, bưởi vì những loại thức uống này chứa nhiều citrat giúp hạn chế tạo sỏi và ăn nhiều rau tươi có chất xơ giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi niệu.
Điều quan trọng là thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu đã bị sỏi để tránh biến chứng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước