Tục thờ tượng ông Táo với mong ước một năm may mắn

Ban Truyền hình đối ngoại-Thứ bảy, ngày 18/01/2020 06:43 GMT+7

VTV.vn - Tục thờ tượng ông Táo trên ban thờ đã trở thành tâm thức của mỗi người Huế, nó thể hiện sự thành kính với ước muốn một năm mới được may mắn, đủ đầy.

Cứ đến dịp 23 tháng Chạp hàng năm, những lò nung trong làng Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế lại hối hả cho ra những mẻ tượng táo ông, táo bà để phục vụ văn hóa tâm linh của người dân.

Đối với nghề làm tượng ông Táo, khâu chọn đất cực kỳ quan trọng. Đất làm tượng phải là đất sét vàng sạch, không pha cát. Đất sẽ được đem đi nhào đến khi có độ nhuyễn dẻo vừa phải và cũng để loại bỏ hết những tạp chất còn sót lại thì mới mang đi in. Khuôn in là loại khuôn gỗ, trước khi in tượng, khuôn sẽ được phủ lên ít tro rơm để tránh việc đất bám vào khuôn.

Sau khi tượng được phơi khô, công đoạn tiếp theo là nung tượng. Để đáp ứng thị hiếu của người dùng, một số tượng được tô màu và điểm kim xuyến. Ở mỗi sản phẩm, vẫn còn giữ được những đường nét họa tiết cổ truyền, nhưng vẫn có bóng dáng của sự cách tân để sản phẩm ngày càng đẹp lên.

Dù lợi nhuận từ việc đúc tượng ông Táo không cao, song hàng chục năm qua, một số hộ dân ở thôn Địa Linh vẫn cần mẫn duy trì nghề truyền thống này. Vào vụ Tết, bình quân mỗi xưởng đúc tượng ở Địa Linh xuất lò khoảng 40 đến 50 ngàn tượng ông Táo.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

ông Táo

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước