Uống ít nước có thể gây sỏi đường tiết niệu

Nguyệt Ánh-Thứ sáu, ngày 01/06/2012 07:00 GMT+7

Khí hậu nóng bức, mồ hôi ra nhiều lại uống ít nước là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi đường tiết niệu, tức là có hiện tượng kết sỏi ở đường tiết niệu.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh sỏi đường tiết niệu hay xảy ra ở thận và thường có tiền sử lâu dài qua nhiều năm, tỷ lệ tái phát cao, có thể gây ra nhiều biến chứng như suy thận. Thực tế, trong số những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đang điều trị tại khoa Thận tiết niệu BV Bạch Mai, có tới 30% là do bị sỏi đường tiết niệu như vậy.

Theo các bác sĩ, trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh sỏi thì đầu tiên phải kể đến khí hậu. Khi thời tiết nóng bức, mồ hôi ra nhiều, nước tiểu bị cô đặc làm cho tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa, dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận hoặc bàng quang.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc như luyện kim, xây dựng hoặc môi trường sinh sống ở ven biển, vùng núi đá vôi, nguồn nước chứa quá nhiều canxi cũng dễ dẫn đến bệnh hơn các vùng khác.
Ngoài ra, chế độ ăn uống (ví dụ uống ít nước, ăn quá mặn) cũng có ảnh hưởng đến khả năng sinh bệnh.
Các bác sĩ cũng cho khuyến cáo, ngay cả với bệnh nhân đã tán sỏi hoặc được mổ lấy sỏi rồi, vì ít quan tâm nguyên nhân tạo sỏi nên tỷ lệ tái phát cao.
Theo TS. Đỗ Gia Tuyển, Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu, BV Bạch Mai, vì cách phòng ngừa đặc hiệu với trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân là rất khó nên quan trọng là uống nhiều nước để có lượng nước tiểu nhiều, tránh tạo lắng cặn. “Còn nếu đã phát hiện nguyên nhân gây bệnh thì nên điều trị theo nguyên nhân”.
Để phòng bệnh sỏi tiết niệu, cần uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao. Phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, có chế độ ăn hợp lý, không quá nhiều các sản phẩm chứa canxi và các chất có thể gây sỏi.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước