Xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong tang ma của người dân tộc thiểu số

Giang Châu-Thứ năm, ngày 17/02/2022 13:26 GMT+7

VTV.vn - Hệ lụy sau mỗi đám tang theo truyền thống của người Mông là những món nợ lớn về kinh tế hoặc lây lan mầm bệnh.

Tại vùng cao còn tồn tại cả những hủ tục lạc hậu cần loại bỏ. Nói về những hủ tục lạc hậu thì phải kể đến việc tổ chức tang ma. Đám tang của người Mông theo truyền thống sẽ tổ chức dài ngày, giết mổ nhiều gia súc và không cho người mất vào áo tang ngay. Hệ lụy sau mỗi đám tang là những món nợ lớn về kinh tế hoặc lây lan mầm bệnh.

Vốn thuộc diện hộ nghèo, gia đình anh Giàng Mí Ly lại càng khó khăn hơn từ khi nhà có tang ma, 2 vợ chồng nghèo lại càng nghèo, với khoản nợ hơn chục triệu. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều nhà khác, nếu không có trâu bò để cúng tế trong đám tang thì phải đổi ruộng đất lấy trâu bò, khiến kinh tế kiệt quệ.

"Trước đây, khi nhà có người chết thì phải vay mượn anh em để mua bò về giết mổ, mua rượu. Giờ vẫn đang nợ", anh Giàng Mí Ly, xã Lũng Chinh, Mèo Vạc, Hà Giang chia sẻ.

Theo phong tục từ xa xưa của người Mông, mỗi người con có trách nhiệm làm tang ma cho bố mẹ 1 ngày, tương đương mỗi ngày mổ 1 con trâu bò, có đám tang giết mổ từ 10 - hơn 20 con bò, lợn, dê các loại. Hơn nữa, người mất sẽ được dùng cáng treo ở giữa nhà trong gần 1 tuần mới được đưa đi an táng, đến huyệt mới cho vào áo quan.

Ông Sùng Mí Mua - Trưởng dòng họ Sùng, thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, Mèo Vạc, Hà Giang cho biết: "Khi bố mẹ mất, bố mẹ đẻ được 3 con trai thì mỗi người phải dắt 1 con đến để cúng lễ. Tang ma kéo dài ngày, xác thì thối hết. Nếu mà tồn tại những hủ tục ngày xưa thì rất tốn kém, trong gia đình cũng mất vệ sinh. Phải xóa bỏ những hủ tục lạc hậu".

Anh Giàng Mi Chứ - xã Lũng Chinh, Mèo Vạc, Hà Giang cho hay trước đây, khi gia đình có người mất phải dỡ bàn thờ để treo xác theo phong tục truyền thông. Thời gian làm đám tang kéo dài 6 ngày, rất tốn kém. Hiện tại, gia đình anh đã nhận thức được phải thay đổi nên chỉ làm trong 2 ngày. Khi những già làng, trưởng họ thay đổi được nhận thức sẽ giúp đồng bào thay đổi hành động, dù là chưa triệt để.

Trước nhiều hủ tục lạc hậu chưa bị loại bỏ, những năm gần đây, tỉnh Hà Giang liên tục ban hành nghị quyết và chỉ thị về bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm sao chắt lọc những phong tục tốt đẹp để giữ gìn chứ không bị biến tướng, và cần mạnh tay xóa bỏ những hủ tục còn lạc hậu.

Bất bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số Bất bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

VTV.vn - Trẻ em gái và phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số là những đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi như bị lạm dụng tình dục, đánh đập... mà nguyên nhân sâu xa là do bất bình đẳng

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước