Ruộng bậc thang - Nét văn hóa độc đáo

-Chủ nhật, ngày 16/09/2012 13:00 GMT+7

Ảnh: Tổ quốc

Ngày 16/9, Hà Giang chính thức đón nhận danh hiệu Di tích quốc gia cho ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Đây sẽ là điều kiện để di sản nông nghiệp hiếm có được gìn giữ và trân trọng hơn.

Cùng với sự hình thành của ruộng bậc thang, hàng trăm năm qua, theo quá trình định canh định cư, canh tác lúa nước, đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì đã hình thành rất nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội gắn liền với các hoạt động nông nghiệp. Đây chính là cái hồn của đời sống đồng bào dân tộc địa phương cũng như của chính cảnh đẹp hùng vĩ do những thửa ruộng bậc thang tạo ra. Rõ ràng việc bảo tồn, gìn giữ những sinh hoạt văn hóa, lễ hội này cũng rất cần được quan tâm một cách thích đáng.

Vào những ngày này, khi ruộng lúa đã chín vàng ngoài đồng, đồng bào La Chí ở Hoàng Su Phì lại tổ chức lễ mừng cơm mới. Trong những nhà sàn, bà con cùng ngồi với nhau bên mâm cơm được thổi từ những hạt lúa mới. Cuộc sống bận bịu với việc đồng áng quanh năm, đây là một trong những dịp hiếm hoi mọi người có thời gian ngồi lại bên nhau để trò chuyện về cuộc sống, về mùa vụ vừa qua.

Ông Triệu Quốc Thanh, nguyên Bí thư huyện ủy Hoàng Su Phì là người từng có hàng chục năm gắn bó với mảnh đất này. Ông được coi là người có rất nhiều hiểu biết về văn hóa của đồng bào dân tộc địa phương. Ông giải thích: “Sau khi thu hoạch xong, đồng bào muốn báo cho tổ tiên biết mùa vụ đã thu hoạch xong trong lễ mừng cơm mới. Ngày xưa thì ý nghĩa chỉ đơn giản vậy thôi”.

Mùa vụ càng được mùa, đồng bào càng nhớ tới tổ tiên. Tại một lễ cúng ma khô của người Nùng xã Pố Lồ, Hoàng Su Phì, đồng bào đã dâng lên tổ tiên những gì mà mình thu hoạch được từ cuộc sống hiện tại. Còn lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông ở xã Tả Sử Chóong để chào mừng một năm mới lại là dịp để đồng bào sau một năm lao động vất vả, có những ngày nghỉ ngơi, vui chơi để chuẩn bị sức khỏe và tinh thần cho một mùa vụ mới. Việc gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa này rõ ràng là rất cần thiết bởi chúng chính là cái hồn của những khu ruộng bậc thang.

“Nghệ thuật là gì? Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống hàng ngày của bà con mà ruộng bậc thang chính là một sự khởi nguồn. Vì vậy, rõ ràng gìn giữ, bảo tồn ruộng bậc thang thì cũng phải bảo tồn những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của bà con dân tộc địa phương”, ông Thanh nhấn mạnh.

Địa bàn Hoàng Su Phì có 13 dân tộc sống chung nên những dịp sinh hoạt văn hóa và lễ hội diễn ra quanh năm. Mỗi lễ hội lại có những nét rất riêng mang đặc trưng và nếp sống của một dân tộc, điều này đã tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa của người dân. Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, thì những sinh hoạt văn hóa cũng là một di sản quý báu của Hoàng Su Phì để hấp dẫn và lưu chân du khách.

Việt Hùng

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước