Các thầy, cô giáo đánh giá như thế nào về chất lượng đề thi THPT Quốc gia 2017?

Minh Đức-Chủ nhật, ngày 25/06/2017 13:34 GMT+7

VTV.vn - Nhiều thầy cô nhận xét đề thi rất vừa sức, phù hợp với thí sinh nhưng ở một số môn vẫn còn chưa có sự cân bằng độ khó giữa các mã đề và nội dung câu hỏi vẫn còn dài.

Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia áp dụng hình thức trắc nghiệm cho môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Cách thức ra đề mới này khiến dư luận cũng như các thầy cô rất quan tâm đến chất lượng đề thi, mức độ phù hợp của đề với thí sinh. Đặc biệt, mỗi thí sinh sẽ nhận một mã đề riêng, 24 đề trong mỗi phòng thi được trộn từ các bộ đề khác nhau nên cũng khiến nhiều người lo ngại về độ khó dễ của từng đề liệu có đảm bảo công bằng?

Các đề thi riêng được đánh giá vừa sức

Trong kỳ thi năm nay, môn Ngữ Văn là môn thi duy nhất làm dưới dạng tự luận và nhận được rất nhiều lời nhận xét trái chiều từ thí sinh, phụ huynh và giáo viên. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội cùng đề cập chung đến vấn đề "thấu cảm", rất gần gũi và quen thuộc với thí sinh vậy nên được các em đánh giá là đề Ngữ văn tương đối "dễ thở". Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng đề thi Văn năm nay không được hay và lạ khi vẫn quanh quẩn những vấn đề đơn giản và quá quen thuộc trong cuộc sống, không có sự bứt phá, mới lạ, đổi mới trong đề. Trước điều này, thầy Vũ Thanh Hòa - giảng viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội) nhận xét đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm nay tương đối cơ bản, kiến thức đưa ra không quá khó và cũng không quá hàn lâm, rất phù hợp với các thí sinh có mục đích tốt nghiệp. Ngoài ra, câu nghị luận Văn học cũng có những ý hỏi mang tính nâng cao nên có thể phân loại được thí sinh có mục đích xét tuyển ĐH - CĐ.

Thầy Hòa cho biết: "Theo tôi, đề bài được đánh giá là hay là khi các em học sinh đọc lên là có thể hiểu được đề bài nói gì, yêu cầu gì. Đề thi cũng cần sự mới lạ, đổi mới để tránh nhàm chán và tư duy theo lối mòn nhưng bù lại, sự mới lạ đó cùng cần phải mang tính nhân văn, thiết thực trong cuộc sống, gần gũi với các em. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội nói về vấn đề lòng trắc ẩn, rất thiết thực trong cuộc sống và khơi gợi điều tốt đẹp". Còn câu nghị luận văn học cũng mang tính phân loại cao khi có nhiều tầng yêu cầu, thí sinh có thể thực hiện theo sự hiểu biết, ôn tập của mình. Nhìn chung, đề thi Ngữ Văn năm nay rất phù hợp với các thí sinh.

Môn Toán lần đầu tiên được chuyển thành hình thức thi trắc nghiệm vậy nên mức độ khó dễ của đề thi thực tế rất được nhiều người quan tâm. Theo đánh giá của các giáo viên thì đề thi Toán năm nay rất vừa sức thí sinh và bám rất sát đề minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đưa ra trước đó.

Thầy Lại Tiến Minh - Giảng viên Toán trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết, đề thi năm nay theo cảm quan của giáo viên là tương đối dễ: "Nhìn chung, đề thi trắc nghiệm môn Toán năm nay rất phù hợp với việc phân loại, xét cả tốt nghiệp và Đại học. Nội dung chủ yếu của đề nằm ở lớp 12, các câu không quá lạ so với đề minh họa của Bộ đưa ra trước đó. Đặc biệt, các câu hỏi cũng đã hạn chế được phần nào việc sử dụng máy tính khi làm bài".

Thầy Minh cũng cho biết, có nhiều mã đề thi với độ khó dễ khác nhau nhưng về cơ bản kiến thức tương đối giống nhau, vận dụng các phương thức giải tương tự nên các em chỉ cần nắm được cách thức, hiểu được đề bài thì có thể vận dụng làm dễ dàng. Giữa các đề có một số câu trùng lặp nhưng không đáng kể và không có nhiều bài toán thực tế nên không quá làm khó thí sinh.

Về môn tiếng Anh, cô Tạ Thị Thanh Hiền - giảng viên tiếng Anh trường Đại học Hà Nội nhận xét: "Đề thi năm nay theo tôi thấy khá dễ, phù hợp với các em chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp nhưng vẫn có những câu khó để phân loại thí sinh muốn xét tuyển vào Đại học - Cao đẳng. Đề bám sát sách giáo khoa và không mấy xa lạ với các em học sinh khi các vấn đề, nội dung câu hỏi đều rất quen thuộc như vấn đề về trẻ em, trái đất, văn hóa... Đối với những em xác định thi khối D thì điểm 8 sẽ rất nhiều, còn những em lực học ngoại ngữ trung bình - khá thì giành được 5 - 7 điểm là không quá khó". Tuy nhiên, có khá nhiều nhiều học sinh phản ánh lại rằng đã đánh bừa không ít câu vì chưa nắm vững được vốn từ vựng và không làm được phần đọc hiểu, thực tế tình trạng này phụ thuộc vào các em liệu có ôn luyện kĩ và nghiêm túc hay không.

Đề thi năm nay có nhiều mã đề nên các câu hỏi không được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, nhưng hầu hết ở các mã đề đều có phần đọc hiểu ở cuối bài, đây là phần gây nhiều khó khăn cho các thí sinh nhất. Các mã đề có độ khó không chênh là mấy so với đề thi THPT Quốc gia 2016, đặc biệt là khi không xuất hiện phần nghe hiểu và viết luận trong bài.

Các thầy, cô giáo đánh giá như thế nào về chất lượng đề thi THPT Quốc gia 2017? - Ảnh 1.

Nhiều thí sinh hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia 2017 với tâm trạng nhẹ nhõm

Đề thi KHTN độ khó cần cân bằng hơn

Kết thúc kỳ thi, các môn thi tổ hợp cũng nhận được không ít lời đánh giá, nhận xét từ thí sinh và giáo viên bộ môn. Cụ thể, đề thi tổ hợp KHTN được đánh giá là khá vừa sức với các thí sinh nhưng nội dung đề môn Sinh học lại quá dài, môn Hóa có độ khó chênh lệch giữa một số mã đề còn môn Vật lý thì tương đối khó.

Cô Đào Bích Liên (THPT Nội trú Nghệ An) - giáo viên môn Vật lý cho biết quan điểm: "Đề thi Vật lý trong tổ hợp Khoa học tự nhiên khá hay và lạ. Có nhiều câu thuộc một số mã đề có dạng ứng dụng thực tiễn và phải xử lý linh hoạt, để làm được những câu này, các em có thể phải vận dụng cả kiến thức từ lớp 10, xử lý công thức..., nhưng đây đều là những câu thuộc dạng khó phân loại thí sinh. Với nội dung đề thi Vật lý như năm nay, cô Liên đánh giá là đề rất phù hợp với mục đích xét tuyển tốt nghiệp và phân loại được thí sinh để phục vụ cho công tác tuyển sinh ở các trường ĐH - CĐ. Tuy nhiên, để đạt được điểm tuyệt đối thì không phải là chuyện dễ dàng.

Cô Kim Anh - giáo viên môn Sinh học (trường Nguyễn Siêu, Hà Nội) nhận xét: "Đề thi môn Sinh học năm nay kiến thức hầu hết nằm ở các chuyên đề học có lý thuyết liên quan chặt chẽ với nhau. Các câu hỏi lý thuyết chủ yếu nằm ở chương trình Sinh học lớp 12 và rất cơ bản, dễ hiểu. Các dạng bài tập trong đề chủ yếu rơi vào hoán vị, tương tác gen, di truyền. Nếu các em chịu khó suy nghĩ và vận dụng một chút thì sẽ giải được". Ở các mã đề, từ câu 30 trở đi thì bài tập tương đối dài, tuy nhiên dữ liệu lại cho rất rõ ràng, nếu thí sinh có kĩ năng tốt sẽ làm nhanh chóng, còn nếu chưa nhuần nhuyễn thì sẽ dễ bị rối.

Thầy Trần Hoàng Phi (Học viện Kỹ thuật quân sự) - giảng viên môn Hóa học nhận xét: "Theo tôi thấy, đề thi môn Hóa trong tổ hợp có 24 mã đề nhưng đều được trộn lên từ 3 - 4 bộ đề khác nhau. Phần lớn các câu trong đề thi đều không lạ, đều là các câu quen thuộc, vấn đề là các thí sinh có luyện tập thường xuyên không chứ câu hỏi không quá khó. Những câu khó đặc biệt tập trung ở 4 câu cuối cùng". Thầy Phi cũng cho biết, các câu hỏi môn Hóa đều được diễn đạt rất rõ ràng và sát với những dạng bài có trong đề minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra trước đó. Bên cạnh đó, thầy Phi cho biết có một bộ đề có độ khó "nhỉnh" hơn so với những bộ đề còn lại, mặc dù những câu hỏi kiến thức cơ bản, dễ "ăn" điểm vẫn ngang ngửa nhau nhưng để học sinh đạt được điểm tuyệt đối, đạt điểm 9 - 10 thì sẽ phải tùy thuộc vào năng lực, thậm chí là may mắn của các em khi được phát đề.

Đề thi KHXH vận dụng nhiều kiến thức thực tiễn

Lần đầu tiên, môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân trở thành 3 môn thi trắc nghiệm. Nhiều người đánh giá rằng việc chuyển đổi này đã giúp giảm áp lực thi cử cho các thí sinh, giúp thí sinh thêm yêu thích và lựa chọn các môn học này. Trong quá trình ôn luyện và thi cử sẽ giúp các em hiểu biết toàn diện, đầy đủ về kiến thức xã hội, tránh được học lệch, học tủ.

Cô Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên Lịch sử (Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội) nhận xét: "Đề thi trắc nghiệm Lịch sử không quá khó, không đánh đố, cấu trúc đề thi theo như đề minh họa của Bộ, độ kiến thức bao phủ trong chương trình học, bám sát với nội dung lớp 12. Tôi cho rằng với chất lượng đề như vậy sẽ giúp các em hoàn thành tốt mục tiêu tốt nghiệp". Cô Hương cũng cho hay, bên cạnh các câu hỏi dễ, cơ bản thì những câu đòi hỏi tư duy, phân tích, so sánh cũng được đưa ra để phân loại học sinh Khá - Giỏi. Trong số 40 câu hỏi thì từ câu 37 - 40 là những câu vận dụng cao dành cho học sinh giỏi và học sinh xét tuyển vào Đại học, các thí sinh cần có những kiến thức liên hệ thực tế, có hiểu biết thêm bên ngoài mới làm được.

Nhận xét đề thi môn Địa lý, cô Tuyết Mai (giáo viên dạy Địa lý trường THPT Việt Đức) cho biết: "Đề thi trắc nghiệm bám sát đề thi minh họa mà Bộ đã đưa ra, có sự phân hóa rất rõ ràng và có sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành". Cô Mai cho hay, trong đề có nhiều câu hỏi yêu cầu các em phải vận dụng kỹ năng sử dụng Atlat và biểu đồ, các thí sinh hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu này để đạt được điểm 6 - 7 điểm. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều câu hỏi học sinh phải có kiến thức sách giáo khoa kết hợp với kiến thức thực tế thì mới lựa chọn được phương án chính xác.

Đề thi môn GDCD cũng rất được nhiều người quan tâm và đánh giá là thú vị, gây được hứng thú cho các em học sinh khi các câu hỏi đưa ra bám sát với thực tiễn đời sống xã hội, mang tính tích cực như các câu về pháp luật nhà nước. Cô Thúy Hành - giáo viên môn Giáo dục công dân (Nghệ An) cho biết: "Đề thi GDCD có 40 câu, trong đó có 20 câu ở mức độ nhận biết, các em hoàn toàn có thể làm được. Khoảng 15 câu tiếp theo sẽ yêu cầu các em tư duy và vận dụng nhưng không quá khó. Ở các câu cuối sẽ đòi hỏi các em hiểu bản chất vấn đề mới có thể làm được. Tôi cho rằng đề thi rất hay, trải đều kiến thức, phù hợp với nhận thức và mang tính tích cực cao".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước