Hưng Yên hỗ trợ giáo viên Mầm non, Tiểu học khi được tuyển dụng vào trường công lập

Ban Thời sự/TTXVN-Chủ nhật, ngày 23/07/2023 07:17 GMT+7

Ảnh minh họa. Ảnh: ĐCSVN

VTV.vn - Tỉnh Hưng Yên sẽ chi hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên Mầm non, Tiểu học mới tuyển dụng.

Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên vừa thông qua Nghị quyết quy định về hỗ trợ giáo viên Mầm non, giáo viên Tiểu học khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt (trong 60 tháng kể từ ngày được tuyển dụng). Mức hỗ trợ là: mỗi giáo viên Tiểu học 108 triệu đồng và giáo viên Mầm non là 162 triệu đồng. Khoản này được chi trả một lần và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và các phụ cấp khác. Dự kiến thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 30/12/2030.

Mục tiêu của của việc hỗ trợ là tạo nguồn giáo viên trên cơ sở động viên sinh viên học ngành sư phạm. Do đó, cần có thời gian để các đối tượng hoàn thành khóa học từ 3 - 4 năm (kể từ năm học 2024 - 2025) theo quy định; đồng thời cũng cần có thời gian để tuyển dụng, thu hút hàng năm đối với sinh viên trong và ngoài tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương.

Đối tượng hỗ trợ là giáo viên Mầm non và Tiểu học được tuyển dụng vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Trong khi đó, giáo viên Tiểu học, Mầm non chuyển công tác từ tỉnh ngoài đến Hưng Yên hoặc chuyển chức danh nghề nghiệp từ chức danh nghề nghiệp khác sang chức danh nghề nghiệp giáo viên hoặc tuyển dụng viên chức trước khi Nghị quyết có hiệu lực thì sẽ không thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ này.

Nghị quyết cũng quy định, nếu giáo viên đã nhận kinh phí hỗ trợ không thực hiện đúng thời gian công tác như đã cam kết (bao gồm cả trường hợp chuyển công tác khỏi đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh) hoặc vi phạm kỷ luật đến mức buộc thôi việc phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ đã nhận theo quy định (trừ trường hợp bất khả kháng không thể tiếp tục giảng dạy như: tai nạn, bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên). Trong trường hợp viên chức không thực hiện trách nhiệm bồi hoàn kinh phí, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực tiếp quản lý viên chức có quyền khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc ban hành Nghị quyết trên nhằm động viên, khuyến khích con em trong và ngoài tỉnh lựa chọn đi học ngành sư phạm tạo nguồn cho việc tuyển giáo viên và thu hút những người có trình độ sư phạm đang làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân tham gia giảng dạy ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo số lượng chất lượng giáo viên theo quy mô số lớp, số học sinh; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập và thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong tỉnh.

Năm học 2022-2023, tỉnh Hưng Yên có gần 3.500 lớp, với gần 123.000 học sinh bậc Tiểu học, được giao hơn 4.600 biên chế (đạt tỷ lệ 1.32 giáo viên/lớp); gần 2.500 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, với hơn 61.000 học sinh bậc Mầm non, được giao là hơn 4.300 biên chế (đạt tỷ lệ 1.74 giáo viên/lớp). Như vậy, để đảm bảo định mức giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Hưng Yên còn thiếu hơn 600 biên chế giáo viên Tiểu học và hơn 1.400 biên chế giáo viên Mầm non.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Hưng Yên có 527/4.953 biên chế giáo viên Tiểu học và 816/4.821 biên chế giáo viên Mầm non chưa sử dụng. Từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh có hơn 870 giáo viên Mầm non và Tiểu học nghỉ hưu theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước