Không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ: Môn Ngoại ngữ có bị xem nhẹ?

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 29/11/2023 22:01 GMT+7

VTV.vn - Sau khi công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025, Bộ GDĐT đã giải đáp nhiều thắc mắc, trong đó có việc bỏ Ngoại ngữ khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp.

Thông tin tại họp báo, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp Trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ: Môn Ngoại ngữ có bị xem nhẹ? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải đáp các vấn đề liên quan đến phương thức thi tốt nghiệp THPT 2025

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Phương án thi này được thực hiện từ năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Giai đoạn sau năm 2030, Bộ GD&ĐT sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

‘Không thể nói chỉ một kỳ thi tốt nghiệp THPT làm ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học Ngoại ngữ’

Về băn khoăn môn Ngoại ngữ không phải môn thi bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Tiếng Anh là một trong số các ngoại ngữ học sinh được học ở phổ thông và các em có quyền chọn đó là môn thi tốt nghiệp".

GS Huỳnh Văn Chương cho hay, hiện nay, theo Chương trình mới, môn Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3. Do đó, học sinh có cả quá trình từ lớp 3 - lớp 12 là nền tảng để nâng cao năng lực ngoại ngữ không chỉ căn cứ vào một kỳ thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các em vẫn có quyền lựa chọn Ngoại ngữ để thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tùy vào năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ: Môn Ngoại ngữ có bị xem nhẹ? - Ảnh 2.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) thông tin tại họp báo.

"Quá trình dạy và học Ngoại ngữ được Nhà nước rất quan tâm, đồng thời lồng ghép vào các chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên. Do đó, không thể nói chỉ một kỳ thi này làm ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học Ngoại ngữ. Dạy học là quá trình xuyên suốt", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Không có sự lệch điểm quá lớn giữa một số môn với định dạng cấu trúc đề thi mới

Liên quan đến định dạng cấu trúc, ngân hàng đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, song song với việc chuẩn bị phương án thi năm 2025, lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo chuẩn bị rất sớm các công việc này.

Song do thời điểm hiện nay, các học sinh thi năm 2025 mới đang học ở học kỳ I năm lớp 11 trong khi đề thi minh họa thường được công bố vào học kỳ II của lớp 12. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sẽ công bố định dạng và cấu trúc mô phỏng của đề thi, sử dụng kiến thức của lớp 10, 11, (chưa công bố đề thi minh hoạ), ngay sau khi thử nghiệm xong định dạng và cấu trúc đề thi, trong quý 4 năm 2023.

Không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ: Môn Ngoại ngữ có bị xem nhẹ? - Ảnh 3.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói về định dạng và cấu trúc đề thi.

Định dạng và cấu trúc đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực, bên cạnh đó, phải có tính kế thừa vì thí sinh thi năm 2025 là thí sinh thi năm đầu tiên, chỉ có 3 năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Định dạng này cũng định hướng sử dụng lý thuyết khảo thí hiện đại để không có sự lệch điểm quá lớn giữa một số môn, như nhóm Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

Về thời gian công bố đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Nguyên tắc thì khi học sinh thi tốt nghiệp năm 2025 học lớp 12 mới có đề minh họa. Hiện lứa học sinh này đang học kỳ 1 của lớp 11. Tuy nhiên, đánh giá việc có đề minh họa có vai trò quan trọng trong việc dẫn đường, định hướng quá trình ôn tập của giáo viên, học sinh nên lãnh đạo lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề minh họa sẽ có đề mô phỏng định dạng đề thi. Nội dung đề mô phỏng có thể chỉ là kiến thức lớp 10, 11 nhưng có ý nghĩa trong việc chỉ rõ cho thí sinh và giáo viên biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức như thế nào, cách thức ra đề thi ra sao. Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023.

Trượt tốt nghiệp THPT sẽ được thi lại theo đề riêng

Đối với học sinh trong trường hợp trượt kỳ thi tốt nghiệp 2024 (thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006), ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán để tổ chức thi riêng cho các thí sinh này, theo nguyên tắc các em học theo chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó, đảm bảo đúng nội dung, phương thức thi cũ, cả cấu trúc và định dạng đề thi.

Không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ: Môn Ngoại ngữ có bị xem nhẹ? - Ảnh 4.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm: Bộ sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em, dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của học sinh, để tham mưu, nghiên cứu tổ chức kỳ thi cho đối tượng thí sinh này, có thể thi cùng năm 2025 nhưng nội dung thi có 2 chương trình khác nhau (đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006).

Với việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, trước đây có những chuyên gia rất không đồng tình với việc thi trắc nghiệm, đặc biệt là môn Toán, nhưng bây giờ đã thống nhất cao với giải pháp xây dựng thiết kế đề thi và câu hỏi yêu cầu phải tư duy logic, suy luận mới làm được. Nếu ở đâu đó giáo viên dạy "mẹo" để thi "mẹo" thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các Sở trong quá trình dạy học phải khắc phục tình trạng này. Cũng như chúng ta phải giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, cùng lúc chuyển nền giáo dục lâu nay nặng về ứng thí, sang nền giáo dục thực học, thực dạy, học để làm chứ không phải học để thi.

Phương án tuyển sinh đại học thay đổi thế nào sau năm 2025?

Chia sẻ về phương án tuyển sinh đại học khi thay đổi phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết: Quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua, trong đó, quy định những nguyên tắc chung trong tuyển sinh, không phụ thuộc vào hình thức hay nội dung thi.

Không bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ: Môn Ngoại ngữ có bị xem nhẹ? - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trả lời câu hỏi của phóng viên.

Các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh đầu vào theo chương trình của các cơ sở đào tạo và các trường cũng sẽ chủ động điều chỉnh nội dung thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, 100% các trường vẫn sử dụng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và kết hợp nhiều phương thức để xét tuyển nên thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển bằng nhiều phương thức mà không cần tham dự kỳ thi riêng của các trường.

Giai đoạn từ năm 2025 - 2030, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn sẽ giữ ổn định trên giấy. Giai đoạn sau 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước