Mô hình 9+: Miễn học phí hệ trung cấp, giảm một phần học phí hệ cao đẳng

Nguyễn Hương, Văn Cường-Thứ tư, ngày 01/07/2020 20:21 GMT+7

Các trường cao đẳng tăng cường tuyển sinh hệ 9+. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Mô hình 9+ (học nghề kết hợp học văn hóa ngay khi học hết lớp 9) đang được nhiều trường trung cấp, cao đẳng nhân rộng trong mùa tuyển sinh năm nay.

Với những học sinh nghịch ngợm và có phần không mấy hứng thú với sách vở, quyết định chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS được coi là quyết định đúng đắn nhất của em Phạm Ngọc Minh Nhật.

"Một phần là do tự bản thân mình, mình định hướng bản thân theo con đường nào, một phần là bố mẹ hiểu và ủng hộ quyết định của con cái là mọi chuyện sẽ ổn hơn" - em Phạm Ngọc Minh Nhật,  học sinh hệ 9+ chia sẻ.

Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng có tâm lý để con làm "thợ" thay vì cố học làm "thầy". Với mục tiêu mở rộng đối tượng tuyển sinh, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển, năm học này, các trường cao đẳng đều đa dạng chương trình học, cam kết đầu ra để không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng cảm thấy an tâm.

"Trường buộc phải cải tiến từ trong nội bộ, cải tiến chương trình đào tạo, hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. 70% giảng viên là các doanh nhân từ các doanh nghiệp, thứ nhất là chương trình sát thực tiễn, thứ hai là trong quá trình giảng dạy các doanh nghiệp cũng tuyển luôn" - ông Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng đang áp dụng mô hình 9+ ở TP.HCM nhấn mạnh.

Mô hình 9+: Miễn học phí hệ trung cấp, giảm một phần học phí hệ cao đẳng - Ảnh 1.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có những định hướng để đổi mới việc dạy cũng như liên thông từ hệ 9+ lên các hệ cao hơn. (Ảnh: TTXVN)

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, cuối năm 2019, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó, gần 125.000 người có trình độ từ đại học trở lên. Đó là chưa kể nhiều người làm trái ngành, trái nghề. Trong khi đó, nghịch lý là thị trường nguồn nhân lực Việt lại đang khan hiếm trầm trọng. Để giải bài toán này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có những định hướng để đổi mới việc dạy cũng như liên thông từ hệ 9+ lên các hệ cao hơn.

Ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: "Mô hình 9+ hiện Bộ đang chỉ đạo để đổi mới. Chúng ta sẽ đa dạng hóa chương trình đào tạo, thiết kế các chương trình học cho các em từ 2 - 4 hoặc 5 năm, tùy theo từng ngành nghề để các em lựa chọn".

Một điểm đặc biệt của mô hình 9+ chính là học phí của người học hệ trung cấp sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí. Các trường cũng đang tính toán miễn giảm một phần học phí hệ cao đẳng để thu hút thí sinh đăng ký học nghề, giảm lãng phí nguồn lực xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước