Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp

Đỗ Hòa, Vũ Nhất-Thứ hai, ngày 18/09/2023 13:33 GMT+7

VTV.vn - Dạy môn tích hợp trong chương trình GDPT mới vẫn là khó khăn của nhiều trường. Thầy cô chưa sẵn sàng, học trò thì lúng túng khi mỗi năm trường xếp học một kiểu.

Dạy môn tích hợp: Giáo viên chưa sẵn sàng

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý mà học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được gọi là môn tích hợp, liên môn. Năm nay, các môn tích hợp, liên môn được triển khai ở lớp 8 sau khi đã thay đổi ở lớp 6, lớp 7 từ những năm trước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc dạy môn tích hợp vẫn là một trong những điểm nghẽn và khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những vướng mắc lớn nằm ở chính nguồn lực giáo viên.

Từ năm học này, cô Vui (Trường THCS Yên Ninh, TP Yên Bái) sẽ đứng lớp với cả ba nội dung Lý, Hóa, Sinh của môn Khoa học tự nhiên lớp 6 và hai nội dung Lý, Hóa của môn Khoa học tự nhiên lớp 7 thay vì chỉ phụ trách phân môn Lý như trước đó. Cô Vui có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên xếp loại giỏi nhưng 3 tháng học tập vẫn chưa thể trở thành điểm tựa cho sự tự tin đứng lớp thêm nội dung Hóa - Sinh ở lớp 8.

Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp - Ảnh 1.
Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp - Ảnh 2.

Việc chỉ dám đảm nhận toàn bộ nội dung môn tích hợp với khối lớp đầu cấp ngay cả khi đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng đang là thực tế không chỉ của một mình cô Vui hay của riêng Trường THCS Yên Ninh, TP Yên Bái.

Theo thầy Lê Viết Hiến - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Yên Bái: "Môn Khoa học xã hội thì chưa có thầy cô nào dạy được cả hai phân môn. Môn Khoa học tự nhiên thì có 2 thầy cô dạy được cả 3 nội dung nhưng chỉ tự tin với lớp 6 còn lớp 7, lớp 8 thì vẫn chỉ có thể dạy được một nội dung".

Thậm chí, có trường vẫn trắng giáo viên đảm nhận nhiều hơn 1 phân môn hay toàn bộ nội dung môn tích hợp, liên môn.

Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp - Ảnh 3.
Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp - Ảnh 4.

Theo thông tin từ Trường THCS Yên Ninh, cô Vui là một trong những giáo viên chuyên môn giỏi, thường xuyên đảm nhận việc đào tạo nâng cao học sinh giỏi môn Lý. Bản thân cô cũng rất nhiệt tình trong việc tham gia bồi dưỡng để đứng lớp thêm các phân môn khác trong môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, lòng nhiệt tình chưa thể trở thành điều kiện cần và đủ để một giáo viên sẵn sàng đứng lớp dạy nhiều môn trong khi chuyên ngành đào tạo chỉ đơn môn, nhất là khi việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp, liên môn được đánh giá chưa thực sự hiệu quả.

Môn tích hợp, liên môn: Có khó cô, khó trò?

Giáo viên nào dạy môn nấy khi chưa thể có được một đội ngũ nhân sự sẵn sàng cho môn tích hợp, liên môn cũng khiến cho việc dạy và học môn tích hợp gặp nhiều khó khăn, gây vướng mắc với cả cô lẫn trò. Mục tiêu giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà phải là người tổ chức, định hướng, kiểm tra hoạt động của học sinh cũng như mục đích học sinh phải được tự chủ trong quá trình học, tích cực, tự lực, sáng tạo, phát triển được năng lực, phẩm chất cũng bởi vậy mà khó đạt được.

Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp - Ảnh 5.
Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp - Ảnh 6.

Năm lớp 6 thì học song song, năm lớp 7 thì học luân phiên, đến năm lớp 8 thì lại học song song. Song song nghĩa là học đồng thời cả hai hoặc ba phân môn trong môn tích hợp cùng một lúc. Luân phiên nghĩa là học theo tuyến tính của sách giáo khoa, hết phân môn này đến phân môn tiếp. Thế nhưng, dù song song hay tuyến tính thì đều có những bất cập cho học sinh và cả giáo viên.

Không có lựa chọn thứ ba nên cách dạy ít vướng hơn theo quan điểm của mỗi trường, mỗi đơn vị giáo dục sẽ được lựa chọn. Nhưng, ít vướng về mặt này thì vẫn mắc ở mặt khác. Khi môn tích hợp chưa có một giáo viên đứng lớp toàn bộ nội dung môn học đồng nghĩa liên môn Lịch sử và Địa lý sẽ là 2 cô dạy, 2 cô ra đề kiểm tra, 2 cô chấm bài. Môn Khoa học tự nhiên cũng sẽ có 3 cô ra đề, 3 cô chấm bài thi.

Dạy môn tích hợp: Khó đâu gỡ đó

Trong cuộc trao đổi với giáo viên cả nước ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS. Những điều chỉnh nếu có sẽ được xem xét để không ảnh hưởng đến những chuẩn bị trong thời gian qua, không gây xáo trộn, tạo thuận lợi và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, trong thời gian chờ những điều chỉnh của Bộ về vấn đề môn học tích hợp, việc dạy - việc học vẫn đang được diễn ra với những cố gắng gỡ khó theo cách riêng của nhà trường và giáo viên.

Ở cuộc trao đổi giữa ban giám hiệu nhà trường cùng các giáo viên dạy môn tích hợp, đề bài được đặt ra là gọn nhẹ mà hiệu quả việc chấm bài thi môn tích hợp. Có hơn một phương án được đưa ra và không thiếu những tranh luận. Phương án cuối cùng có thể chưa phải phương án tốt nhất nhưng là phương án khả dĩ nhất trong bối cảnh một môn học nhiều thầy dạy.

Môn tích hợp - loay hoay tìm cách dạy phù hợp - Ảnh 7.

Nhà trường nỗ lực gỡ vướng việc dạy và học môn tích hợp từ góc độ quản lý, giáo viên cũng nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy môn tích hợp. Các giáo viên ngồi lại với nhau, cùng xem và cùng tìm những nội dung có thể tăng thêm tính liên kết cho hai phân môn khi giảng dạy. Tuy nhiên, không phải lần ngồi lại nào cũng đều có kết quả cho nỗ lực tạo sức hút với học sinh nhưng đó cũng là những loay hoay của người thầy, người cô trong mục tiêu dạy môn tích hợp phù hợp nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước