Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử

VTV Digital-Thứ ba, ngày 13/06/2023 12:26 GMT+7

VTV.vn - Cho con học trường chuyên hay trường thường sẽ là cuộc tranh luận không bao giờ tìm được người phán xử bởi góc nhìn và lựa chọn thế nào là tùy thuộc vào mỗi gia đình.

Mỗi năm, khi đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, vấn đề trường chuyên, lớp chọn lại được đem ra bàn cãi rất gay gắt. Có gia đình lên kế hoạch ôn luyện từ sớm để con em mình phải đỗ trường chuyên bằng được, có người lại chẳng thích trường chuyên bởi họ lo sợ áp lực học tập, lo bị học lệch…

Mặc cho cơn mưa lớn ngập đường, sáng 12/6, các bậc phụ huynh tại Hà Nội vẫn cùng con em mình mang theo bao hy vọng tới tham dự kỳ thi vào 10 của các trường chuyên. Với không ít bậc phụ huynh và các em học sinh, trước khi quyết định tham gia thử thách này, họ cũng đã phải bước qua một thử thách khác khi phải tự trả lời một câu hỏi vốn luôn gây ra tranh luận trong xã hội: nên chọn trường chuyên hay trường thường? Năm nay, bài viết của một phụ huynh trên mạng xã hội được chia sẻ nhiều, tiếp tục thổi bùng lên tranh cãi giữa các luồng ý kiến.

Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 1.
Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 2.
Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 3.
Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 4.

Theo lời vị phụ huynh này, 8 năm trước, con gái chị ra sức ôn luyện để thi vào trường chuyên. Dù con gái chị khá chăm, học hành ổn, tuy nhiên, bản thân chị lại không muốn con gái thi vào trường chuyên vì 4 lý do. 

Một là, trường chuyên học theo chuyên từng môn, nghĩa là học lệch. Theo chị, nếu học môn giỏi, bỏ môn kém thì kém vẫn hoàn kém. Hai là, học trong môi trường quá cạnh tranh sẽ khiến các con sống mệt mỏi, áp lực học tập thi cử quá nhiều sẽ không tốt cho tâm lý các bạn học sinh. Ba là, khi sống trong môi trường cạnh tranh, các con dễ so bì nhau, dễ nảy sinh tính cách hẹp hòi, thiếu bao dung với bạn bè. Bốn là, nếu gặp thất bại, học sinh trường chuyên sẽ rất vất vả để vượt qua nỗi thất vọng bản thân bởi sợ bạn khinh thường, cảm thấy mình kém cỏi khi xung quanh toàn người giỏi.

Cuối bài chia sẻ, vị phụ huynh cũng cho biết, thời điểm đó, bản thân chị khá cương quyết việc không cho con thi vào trường chuyên. Do đó, chị cũng không cho con gái đi học thêm ở bất kỳ đâu và chuyện gì đến cũng đến, con gái chị thi trượt, đúng như ý muốn của chị.

Có ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều về bài viết này. Ở chiều phản đối, chủ yếu vì 2 lý do. Một là vì việc người mẹ đã không ủng hộ ước mơ của con, lại hả hê khi con thi trượt. Hai là phản đối các lý do mà người mẹ đưa ra là quá tiêu cực và phiến diện khi đánh giá về việc theo học trường chuyên.

Đây sẽ là cuộc tranh luận không bao giờ tìm được người phán xử bởi góc nhìn và lựa chọn thế nào là tùy thuộc vào mỗi gia đình. Chỉ có điều khi đã đưa việc nhà lên chỗ công cộng, lại với những câu từ đậm tính chủ quan và gay gắt thì khó tránh chuyện nhà lại trở thành chuyện của thiên hạ và phải chấp nhận việc bị phán xét.

Khi đã quyết định đưa con đi thi ai chẳng mong đỗ đạt, nhưng thực tế, các bậc phụ huynh này mới đang đưa con đi thi, chứ con họ chưa thực sự học trong môi trường chuyên nên để nhận xét về môi trường này e là cũng chưa đủ khách quan.

Trên thực tế, trong quan điểm về trường chuyên, có thể chia phụ huynh - học sinh thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người quá đề cao trường chuyên, muốn con em mình phải đỗ chuyên bằng được. Nhóm thứ hai là những người không ưa trường chuyên, nghĩ học chuyên sẽ học lệch, thiếu kỹ năng sống, áp lực cao, chi phí đắt đỏ. Nhóm thứ ba là những người có cái nhìn đúng đắn về trường chuyên trong việc chọn trường, chọn lớp cho con.

Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 5.

Lý do có ba nhóm quan điểm này thay vì thống nhất một góc nhìn có lẽ một phần lớn cũng vì chính những trường chuyên hiện nay vẫn tồn tại những bất cập. Những thông tin khách quan nhất có lẽ nằm trong cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.

Tại Hội nghị, các ý kiến đều đánh giá đã nêu rõ: giai đoạn 2010 - 2020, trên cả nước quy mô các trường chuyên đã tăng cả về số lượng trường, số môn chuyên và tỷ lệ học sinh chuyên, một số trường có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế như:

- Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh; tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả nhất.

- Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

- Bộ Giáo dục & Đào tạo nhận định: "Việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác".

- Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn; việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế; liên thông giữa trường chuyên và Đại học chưa sâu rộng; việc hợp tác giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài còn chưa có tính chủ động cao.

Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 6.
Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 7.

Theo con số ước tính của các trường đại học top đầu tại Việt Nam lúc này, tỷ lệ thí sinh là học sinh trường chuyên đỗ vào các trường này khá cao. Với những trường có các lớp tài năng hoặc chương trình đào tạo tinh hoa, số lượng này áp đảo.

Trường Đại học Ngoại thương, số thí sinh trúng tuyển và theo học tại trường có khoảng 50 - 60% vốn là học sinh các trường chuyên; trường Đại học Y Hà Nội, riêng ngành y khoa (ngành luôn có điểm chuẩn cao nhất), tỷ lệ học sinh đến từ các trường chuyên khoảng 30%, phần lớn là chuyên sinh. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong mùa tuyển sinh 2019, có hơn 30% thí sinh là học sinh trường chuyên trúng tuyển và kết quả học tập sau này tại trường của những sinh viên này cũng thuộc top 5 - 10% những em giỏi nhất trường.

Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 8.

Nói tóm lại, học trường chuyên cũng áp lực giống như các vận động viên chuyên nghiệp, cái gì cũng có sự đánh đổi của nó và mọi sự hy sinh đều đáng trân trọng.

Theo quan điểm của PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, có người học trường chuyên thấy thoải mái, cũng có người cảm thấy khó khăn, phải nỗ lực rất nhiều.

Theo học trường chuyên hay trường thường - Cuộc tranh luận không có người phán xử - Ảnh 9.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

"Trường chuyên thì phải học giỏi môn chuyên, nếu không cẩn thận có thể sẽ học lệch nên phải hiểu sâu năng lực của mình, biết mình đang cần gì. Các bậc phụ huynh giờ có nhiều sự suy xét, trao đổi với nhau nên sự lựa chọn của họ cơ bản là đúng vì họ hiểu năng lực của con mình. Có phụ huynh yêu cầu con rất cao do nền nếp gia đình của họ. Các phụ huynh không nên áp đặt ước mơ của mình vào đứa trẻ, nên tư vấn cho con đường đi nhẹ nhàng và hạnh phúc nhất" - PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước