Trường đại học mở ngành mới: Liệu số lượng tăng cùng chất lượng?

Khánh Nguyễn (t/h)-Thứ năm, ngày 01/02/2024 10:39 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 khởi động và nhiều trường đại học đã thông báo mở rộng thêm ngành đào tạo, thậm chí nhiều ngành được cho là ‘lấn sân”.

Mở thêm ngành mới, nhiều trường ‘lấn sân’

Khái niệm các trường khối kinh tế chỉ đào tạo các ngành học về kinh tế hay các trường khối kỹ thuật chỉ đào tạo liên quan đế kỹ thuật đã bị phai nhòa ranh giới. Năm nay, nhiều trường đại học thông báo sẽ tuyển sinh nhiều ngành học mới được cho là ‘lấn sân’.

Năm 2024, trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) cho biết, dự kiến sẽ mở 6 ngành mới, trong đó 4 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Cả 4 ngành đều đào tạo hai hệ cử nhân và kỹ sư, chỉ tiêu dự kiến 50-100 mỗi ngành. Trường đào tạo cả bậc cử nhân và kỹ sư.

Trường Đại học Ngoại thương dự kiến mở ngành Khoa học máy tính và ngành Kinh doanh quốc tế thuộc chương trình song bằng với Đại học Queensland, Australia tại Hà Nội; với chỉ tiêu trong năm nay là 30, các năm sau có thể tăng.

Cũng thuộc khối trường có thế mạnh về kinh tế hiện mở rộng sang đào tạo chuyên ngành kỹ thuật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh có thêm 2 ngành mới là Kinh tế số và Kỹ thuật phần mềm.

Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh nhiều ngành đào tạo mới như: Khoa học dữ liệu, Marketing, Kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ tài chính…

Một trong những ngành được hàng loạt trường mở mới năm nay dự kiến sẽ thu hút nhiều thí sinh đó là ngành vi mạch – bán dẫn. Đơn cử, Trường Đại học Phenikaa thông tin, trường sẽ tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch – bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C01, D07.

Trường đại học mở ngành mới: Liệu số lượng tăng cùng chất lượng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết sẽ bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn từ năm 2024.

Trường Đại học học CMC năm 2024 mở thêm 2 ngành học mới là Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và Marketing, với chỉ tiêu dự kiến năm nay vào khoảng 1.000.

Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, dự kiến tuyển sinh trong năm 2024.

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới gồm: Bảo hiểm, Công nghệ tài chính, Trí tuệ nhân tạo và Kiểm toán chất lượng cao.

Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thêm 2 chuyên ngành mới là Thiết kế vi mạch và Digital marketing.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay, năm 2024, nhiều ngành mới được các trường tuyển sinh, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm ngành Thiết kế vi mạch, Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu và 3 chuyên ngành mới gồm: Quản lý xây dựng, Hóa dược, Hóa mỹ phẩm. Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyển sinh 150 chỉ tiêu cho ngành mới Thiết kế vi mạch.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có thêm hai ngành mới là Kỹ thuật thiết kế vi mạch và Tâm lý học giáo dục.

Còn Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong mùa tuyển sinh năm 2024, ngoài 27 mã ngành như năm trước dự kiến mở thêm mã ngành thứ 28 là Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng.

Nhiều trường lý giải ‘Mở thêm ngành học để đa ngành, phù hợp xu thế’

Chia sẻ với Thời báo VTV, đại diện trường Đại học Kinh tế quốc dân lý giải, để phù hợp với mục tiêu và thời đại công nghệ số, việc phát triển thêm một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của trường.

Những ngành công nghệ, kỹ thuật mà trường Kinh tế quốc dân sắp mở cũng có sự khác biệt vì định hướng ứng dụng, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Đề án mở ngành của trường sẽ được hoàn thiện và nghiệm thu để báo cáo Bộ GD&ĐT trước 13/4.

Lý giải việc mở thêm ngành học mới về công nghệ, đại diện trường Đại học Ngoại thương cho rằng, đây là xu thế tất yếu xuất phát từ chính nhu cầu của các trường, từ quan điểm xã hội đã thay đổi theo thời gian.

Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin rất lớn, nhưng cũng rất nhiều trường đại học đang đào tạo ngành này. Dù vậy, đại diện trường Đại học Ngoại thương cho rằng mỗi trường đều có "tệp" thí sinh riêng, nên nếu đảm bảo các điều kiện chất lượng, tận dụng được thế mạnh vốn có, các trường làm tốt vẫn có thể tìm được chỗ đứng, bất kể "đá chéo sân" hay không.

Trường đại học mở ngành mới: Liệu số lượng tăng cùng chất lượng? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Đại diện Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho hay, ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn của nhà trường thành lập trên nền tảng về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong đào tạo chương trình ngành gần là "Vật lý Kỹ thuật - Điện tử". Như vậy, số lượng ngành đào tạo của trường vẫn giữ nguyên là 17 ngành như năm 2023 với 20 chương trình đào tạo trình độ đại học.

Chia sẻ về lý do mở ngành này, đại diện nhà trường cho biết vi mạch là một lĩnh vực quan trọng, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Việc nhà trường tham gia đào tạo lĩnh vực này nhằm hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Tương tự, đại diện Trường Đại học Phenikaa thông tin trường mở ngành này vì thiết kế vi mạch bán dẫn đang thực sự rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn nằm trong ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông của nhà trường.

Còn theo đại diện Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường mở ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản.

Không còn là chuyện hiếm nhưng tránh chạy theo trào lưu và cần đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đây không phải năm đầu tiên hiện tượng các trường chuyên sâu khối ngành kinh tế mở đào tạo ngành công nghệ, ngành học mới. Từ năm 2020, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã mở ngành mới "Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh". Năm 2021, Học viện Ngân hàng mở mới và tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin. Năm 2023, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở loạt ngành mới, trong đó có một số ngành Công nghệ như Eobot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics.

Ngược lại, nhiều trường đại học ở khối kỹ thuật cũng tuyển sinh các ngành khối kinh tế như: Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán; trường Đại học Thủy lợi đào tạo Luật, Ngôn ngữ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng nhận định việc các trường đại học ồ ạt mở ngành mới trong những mùa tuyển sinh gần đây đã được dự báo trước. Bởi theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.

Một số chuyên gia cho rằng, đại học đào tạo đa ngành là xu hướng chung của thế giới, phù hợp với xu thế đào tạo liên ngành. Ở Việt Nam, việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy vậy, nếu nếu vội vàng, chạy theo trào lưu mà không có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là chất lượng đào tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước