Từ 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, không bắt buộc thi Ngoại ngữ

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 29/11/2023 16:53 GMT+7

VTV.vn - Chiều 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Bộ GD&ĐT cho biết, mục đích tổ chức thi là để đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Về đối tượng dự thi: Người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT và có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Người học đã có Bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Về nội dung thi: Bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018.

Về hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Về môn thi: Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Về thời gian tổ chức thi: Kỳ thi tốt nghiệp THPT (gọi tắt là Kỳ thi) được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Từ 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, không bắt buộc thi Ngoại ngữ - Ảnh 1.

Quang cảnh họp báo.

Về phân cấp, phân quyền tổ chức thi:

- Bộ Giáo dục và Đào tạo: (1) Chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức Kỳ thi; (2) Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức Kỳ thi; (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tổ chức Kỳ thi; (4) Phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong Kỳ thi; (5) Hướng dẫn, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát Kỳ thi.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương; (2) Chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức Kỳ thi; (3) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo Lịch thi chung và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về lộ trình triển khai thực hiện:

- Phương án thi được thực hiện từ năm 2025.- Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

- Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

- Tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.

Về kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện Phương án thi theo nhiệm vụ được giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Có 36 cách lựa chọn các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 với 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Như vậy, số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi 4 môn vào năm 2025 có nhiều điểm mới (có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây), và yêu cầu cần đạt là phẩm chất, năng lực chứ không phải kiến thức, kỹ năng như trước. Vì vậy, cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học, tuyển sinh đại học ở tầm cao mới.

Từ 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, không bắt buộc thi Ngoại ngữ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ tại buổi họp báo công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Trước hết, Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu phát triển học sinh theo phẩm chất và năng lực. Giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Ở cấp THPT, học sinh được phân hóa theo năng khiếu, định hướng nghề nghiệp bằng hình thức tự chọn với nhiều tổ hợp.

Ngoài 8 môn/hoạt động giáo dục bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp), học sinh được chọn thêm 4 môn trong số các môn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Mỹ thuật, Âm nhạc).

Thực tế có gần 40% thí sinh dự thi tốt nghiệp với mục đích xét tốt nghiệp, do đó, các môn như Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học… cần thiết cho những học sinh tham gia học nghề hay trực tiếp lao động sau THPT.

Điều này đòi hỏi các em phải biết khả năng, năng lực, năng khiếu, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để chọn các môn học và thi tốt nghiệp phù hợp nhất. Vì vậy, công tác giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, tư vấn tâm lý cho học sinh ở cấp THCS, THPT ngày càng quan trọng. Bao gồm hướng học, hướng nghiệp và giải quyết các vấn đề khó khăn của mỗi học sinh.

Trong đó, hướng giúp người học hình thành xây dựng phương pháp học tập và chọn các môn học ở cấp THCS và THPT phù hợp nhất. Hướng nghiệp giúp người học có khả năng đánh giá bản thân để chọn ngành, nghề phù hợp sau này. Như vậy, dạy và học ở nhà trường ngày càng cá nhân hóa.

Từ 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, không bắt buộc thi Ngoại ngữ - Ảnh 4.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Thứ hai, cần khẳng định vai trò các môn học góp phần vào sự thành công của học sinh là như nhau, không có môn chính, phụ. Một số môn công cụ như Toán, Văn hay Lịch sử... có vai trò lớn trong giáo dục lòng yêu nước, là những môn học bắt buộc. Tuy nhiên, thành công của nhiều học sinh khi ra đời có thể ở các môn học khác chứ không chỉ là môn học bắt buộc. Nhà trường cần chú trọng dạy và học các môn, không coi trọng môn này, nhẹ môn kia.

Thứ ba, tuyển sinh đại học từ năm 2025 phải thay đổi so với hiện nay. Một mặt, tăng cường thi đánh giá năng lực, mặt khác xây dựng các tổ hợp mới có các môn như Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; hoặc tuyển sinh theo học bạ cần đánh giá toàn diện, ít nhất là kết quả của 4 hoặc 5 học kỳ THPT. Các tổ hợp môn có Ngoại ngữ hay Lịch sử cần tăng chỉ tiêu, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…

Thứ tư, đổi mới giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn học, quan điểm về học. Học không phải để đối phó thầy, cô hay thi (thi gì học nấy), mà học để phát triển phẩm chất năng lực, làm người, cạnh tranh việc làm với trí tuệ nhân tạo.

Môn Ngoại ngữ có vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế, để nước ta tham gia hiệu quả hơn chuỗi giá trị toàn cầu, nên chú trọng phát triển cho học sinh cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, theo chuẩn kỹ năng 6 bậc của Việt Nam.

Chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn của Việt Nam cũng cần được ưu tiên trong tuyển sinh đại học như chứng chỉ quốc tế, để việc dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông có thể cạnh tranh với các trung tâm dạy chứng chỉ quốc tế. Đổi mới mạnh mẽ dạy và học môn Lịch sử, không chủ quan là môn học bắt buộc nên dạy thế nào học sinh cũng học.

Hơn 40 năm trước, thí sinh thi tốt nghiệp THPT với 4 môn biết trước

Sau năm 1975, ở miền Nam thực hiện giáo dục hệ 12 năm, cấp III (THPT) phân ban. Theo đó, học sinh được chọn 1 trong 4 ban: Ban A (Văn - Sử - Địa), Ban B (Văn – Ngoại ngữ), Ban C (Toán – Lý), Ban Đ (Hóa – Sinh). Học sinh các ban học đủ môn, nhưng nội dung kiến thức, thời lượng từng môn khác nhau.

Việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn theo từng ban. Ban A (Toán, Văn, Sử, Địa); ban B (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Sử), ban C (Toán, Văn, Lý, Hóa), ban Đ (Toán, Văn, Hóa, Sinh). Hai môn Toán, Văn các ban đều thi nhưng mức độ đề khó dễ khác nhau tùy theo ban.

Từ 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, không bắt buộc thi Ngoại ngữ - Ảnh 5.

Có nhiều điểm mới giữa phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn thi so với cách đây hơn 40 năm.

Việc thi tốt nghiệp 4 môn ở miền Nam như trên thực hiện trong giai đoạn 1976 – 1980. Sau thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ thi vào đại học theo 3 khối: A (Toán, Lý, Hóa), B (Toán, Hóa, Sinh), C (Văn, Sử, Địa) và D (Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Lý, Ngoại ngữ). Thí sinh dự thi khối C chiếm tỷ lệ thấp, do nghề nghiệp liên quan đến khối thi này ít hơn các khối khác.

Tuy nhiên, xã hội cũng không băn khoăn việc học sinh ít dự thi môn Sử, bởi nhà trường có trách nhiệm bồi dưỡng lòng yêu nước cho các em trong quá trình học tập, rèn luyện qua nhiều môn học và hoạt động xã hội, Đoàn – Đội. Học sinh được học lịch sử cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT.

Nổi bật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn này là coi thi và chấm thi nghiêm túc, không có dạy, học thêm, nhà trường chỉ ôn thi cho học sinh một số buổi. Đến lớp 12, học sinh biết trước và tập trung nhiều hơn cho các môn thi tốt nghiệp, đại học (nếu đăng ký dự thi). Đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học đều dạng tự luận, môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, ngoài phần lý thuyết có thêm giải toán.

Hạn chế trong việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn giai đoạn 1976 - 1980 là hình thức đề thi tự luận, nặng về kiểm tra kiến thức nên học sinh phải học thuộc lòng, có khi học thuộc sách giáo khoa lớp 12 theo phương thức học thuộc lòng. Một số học sinh ban C (thi tốt nghiệp Toán, Văn, Lý, Hóa), nhưng thi đại học khối B (Toán, Hóa, Sinh), ngược lại có em học ban Đ (Toán, Văn, Hóa, Sinh) nhưng lại thi đại học khối A (Toán, Lý, Hóa) do chọn ban sai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước