Tuyển sinh đại học chính quy 2018: Nhiều trường bổ sung phương thức xét tuyển và ngành học mới

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 04/02/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một số trường bổ sung phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển mới và những ngành học mới để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.

Mở nhiều ngành học mới 

Theo Danh mục giáo dục – đào tạo cấp 4 trình độ đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có thêm 105 ngành mới so với danh mục được ban hành năm 2010; nâng tổng số ngành đào tạo hiện nay lên 366 ngành. Căn cứ vào danh mục này, các trường đã xây dựng và mở rộng thêm một số ngành mới trong mùa tuyển sinh năm nay, tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh khi lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển. Trong số những ngành mới, nhiều chuyên gia dự báo, các ngành về công nghệ thông tin và logistics sẽ có cơ hội việc làm lớn trong những năm tới, phù hợp cách mạng công nghiệp 4.0. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết: Dự kiến năm nay, các chuyên ngành trước đây của trường đã đào tạo sẽ được nâng cấp lên thành ngành, nói cách khác là tách ra thành những ngành độc lập. Nhà trường cũng dự kiến mở một số ngành mới là logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như quản trị khởi nghiệp - một ngành rất cần thiết cho xã hội là định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro. 

Năm 2018, Đại học Thủy lợi cũng tuyển thêm 4 ngành: Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa và Công nghệ sinh học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ: Dựa vào số sinh viên nhập học năm 2017, Đại học Thủy lợi đã điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, giảm một số ngành truyền thống thuộc khối xây dựng và chuyển chỉ tiêu sang cho những ngành mới phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội. 

Chia sẻ về các ngành đào tạo mới của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Trưởng Phòng Đào tạo cho biết: Trường chú trọng đào tạo các ngành xã hội cần, đồng thời phát triển các chương trình chất lượng cao để hội nhập quốc tế. Từ tháng 4/2017, trường đã xây dựng Đề án phát triển chương trình đào tạo giai đoạn 2017 – 2025 phù hợp với tình hình mới. 

Đề án gần như bao quát hết chương trình đào tạo của trường theo mô hình cử nhân, thạc sĩ. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện triết lý tạo ra chuẩn đáp ứng nhu cầu của xã hội và người tuyển dụng, sau đó mới thiết kế chương trình đạt được chuẩn đó. Bên cạnh việc xúc tiến kiểm định quốc tế đạt 100% các chương trình vào năm 2021, nhà trường đang thực hiện dự án ELITECH bao gồm các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao được thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú. Chúng tôi mong muốn các em trở thành những chuyên gia giỏi, nhà quản lý xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại công nghiệp 4.0. 

Năm 2018, tổng chỉ tiêu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tương đương năm trước. Số lượng ngành cũng không thay đổi nhưng có hai ngành mới được tách ra đứng độc lập, đó là Cơ khí động lực và Kỹ thuật ô tô – dự báo là sẽ có sức hút lớn trong tình hình hiện nay. Vừa qua, Thủ tướng có cơ chế đặc thù cho phép đào tạo về công nghệ thông tin để gia tăng số nhân lực nên Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nâng chỉ tiêu ngành này. 

Điều chỉnh phương thức tuyển sinh 

Về phương thức tuyển sinh, dự kiến các trường đại học hầu như không có nhiều thay đổi so với năm 2017. Đa phần các trường đều xét tuyển theo kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, xét tuyển theo kết quả học tập ba năm ở Trung học phổ thông hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền cho biết: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn duy trì phương thức xét tuyển như năm 2017 là dựa vào kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, khối A, A1 là cơ bản nhưng kèm theo điều kiện Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 cho phép các trường đại học cử giảng viên về địa phương tham gia công tác coi thi để có kết quả đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn thực hiện sơ tuyển theo học bạ với tổng điểm 3 môn trong thành phần tổ hợp từ 20 trở lên. 

Năm nay, một số trường cũng bổ sung thêm hình thức xét tuyển mới như Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển đối với những thí sinh có chứng chỉ quốc tế Cambridge International Examinations A – Level (CIE); kết quả kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ); Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh; Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh qua hai bước xét tuyển và kiểm tra năng lực… 

Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đưa điểm thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào là một trong những điều kiện xét tuyển. Đối tượng được trường xét tuyển riêng gồm các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/6/2018) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 575 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm 2 bài thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đạt từ 15 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán. Ngoài ra, theo định hướng từ năm 2021, Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ tuyển sinh 2 kỳ/năm: kỳ mùa thu và mùa xuân. Tổ chức kỳ thi tuyển riêng theo dạng bài thi đánh giá năng lực tương tự SAT cũng là một trong những định hướng của trường. 

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018, tất cả các trường đại học phải thực hiện tự chủ tuyển sinh. Việc đa dạng hóa hình thức xét tuyển nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu này. Thí sinh cần nghiên cứu kỹ phương thức xét tuyển của các trường mà mình muốn đăng ký để tránh nhầm lẫn và sai sót trong quá trình xét tuyển.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước