BTV Kim Hải và phim tài liệu “Luôn ở bên con”

Ngọc Mai-Thứ ba, ngày 26/10/2010 08:00 GMT+7

Bộ phim là câu chuyện về cuộc đấu tranh giành giật sự sống của hai mẹ con bé Phương, một em bé bị mắc bệnh ung thư máu từ khi mới 3 tuổi” BTV Kim Hải (Ban Thời sự-Đài THVN) chia sẻ về bộ phim tài liệu “Luôn ở bên con”, phim đã giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất vừa qua.

Hai mẹ con Phương, nhân vật chính trong phim tài liệu "Luôn ở bên con" của BTV Kim Hải

Bạn có cảm giác thế nào khi tác phẩm phim tài liệu đầu tay của mình đã giành được giải Phim tài liệu xuất sắc ở Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất?


Như tôi đã chia sẻ ngay tại lễ trao giải, tôi rất bất ngờ và xúc động. Trước hết bởi vì những bộ phim tài liệu được đề cử đều là những phim hay, phim Tâm thần của đạo diễn Nhật Bản Kazuhiro Soda, Đất đai không tưởng của Uruphong, Hành Trình Ẩm Thực – cũng là một tác phẩm đầu tay của đạo diễn Yuri Nomura. Sau nữa, Ban Giám khảo là những nhà làm phim tài liệu rất nổi tiếng của thế giới và Việt Nam. Việc Ban Giám khảo quyết định trao giải cho một tác giả trẻ như tôi là một sự khích lệ lớn lao.


Cơ duyên nào đưa bạn đến với đề tài của bộ phim “Luôn ở bên con”?


Đề tài này đến với tôi từ chính công việc thường ngày, là phóng viên của Ban thời sự - Đài truyền hình Việt Nam. Tình cờ khi thực hiện một chương trình nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam, tôi có đến Bệnh viện Nhi Trung ương và được biết trường hợp của mẹ con Phương. Hoàn cảnh bất hạnh của mẹ con Phương, tình mẫu tử và khát vọng sống của Phương đã khiến tôi bị ám ảnh. Sau đó, khi tham gia khóa đào tạo của Varan (Pháp) tại Việt Nam, tôi quyết định làm phim về họ.


Bạn có thể cho khán giả được biết rõ hơn về nội dung và nhân vật của bộ phim?


Bộ phim là câu chuyện về cuộc đấu tranh giành giật sự sống của hai mẹ con bé Phương, một em bé bị mắc bệnh ung thư máu từ khi mới 3 tuổi. Điều trị suốt 4 năm tại khoa Ung bướu bệnh viện Nhi Trung ương, cuộc sống của 2 mẹ con chỉ quanh quẩn trong khu vực điều trị, với những mũi tiêm, những liều hóa chất và những cơn đau thể xác của cậu bé. Người mẹ đã phải bán cả sản nghiệp, mất nhà cửa, nợ nần chồng chất để chi trả tiền viện phí, mong cứu con mình. Nhưng căn bệnh ung thư quái ác vẫn không buông tha, nó tiếp tục gặm nhấm cơ thể bé nhỏ của cậu bé mới 7 tuổi, thử thách sức chịu đựng bền bỉ và sự hi sinh của người mẹ.

Hai mẹ con Phương những ngày chống chọi với bệnh tật


Trong phim, người xem thấy có những lúc chị Đào, mẹ của Phương, bật khóc trước hoàn cảnh bi đát của mình. Nhưng chưa lúc nào chúng ta thấy chị đầu hàng trước số phận hay mất đi niềm hi vọng vào quá trình chạy chữa. Chị là hình tượng điển hình cho người phụ nữ Việt Nam chấp nhận mọi thiệt thòi, vất vả, hết lòng hi sinh vì con, giàu nghị lực, giàu niềm tin vào cuộc sống.


Bộ phim cũng đưa người xem thâm nhập vào cuộc sống của một bệnh viện ở Việt Nam với không gian chật chội, bức bối. Ở đó, những người mẹ chăm sóc con, làm các thủ thuật y tế một cách thành thục thay cho y tá. Tất cả những hình ảnh đó đã phản ánh rõ khó khăn của các cơ sở y tế tuyến trung ương tại Việt Nam hiện nay.


Bạn có thể cho khán giả biết rõ hơn quá trình thực hiện bộ phim này?


Năm 2009, tôi tham gia Trại sáng tác Varan (Pháp) tổ chức tại Việt Nam. Trong khóa học 3 tháng này, tôi phải thực hiện một bộ phim tài liệu. Xin nói thêm, Varan là một chương trình đào tạo làm phim tài liệu của Pháp theo phong cách điện ảnh trực tiếp. Hiểu một cách đơn giản, thì đây là phong cách làm phim ghi hình, ghi âm đồng bộ, không dàn dựng, bố trí, không lời bình, người đạo diễn ghi lại chân thực nhất câu chuyện mà mình thể hiện trong phim. Dự án này có mặt ở Việt Nam khoảng năm 2004 và đã đào tạo được nhiều đạo diễn trẻ theo phong cách làm phim này; trong đó, có đạo diễn đã đạt được giải thưởng tại LH phim quốc tế như chị Trần Phương Thảo (phim “Giấc mơ là công nhân”).

Kim Hải nhận giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần I


Với phong cách điện ảnh trực tiếp, chúng tôi tuyệt đối không được phép dàn dựng bất cứ chi tiết nào. Để bộ phim đạt đến độ chân thật, người đạo diễn cần phải giấu mình. Tôi đã dành một tháng để khảo sát bối cảnh và để các nhân vật của mình làm quen với máy quay trước khi chính thức quay.


Một trong những cái khó của phong cách này là chúng tôi không làm phim dựa trên một kịch bản sẵn có. Chính các nhân vật, với diễn biến tự nhiên trong đời sống bình thường và đời sống nội tâm của họ sẽ đẩy diễn biến bộ phim đi đến tận cùng. Nói như vậy không có nghĩa là người làm phim chỉ chăm chăm quay những cảnh sinh hoạt hàng ngày. Vai trò của đạo diễn thể hiện ở việc chọn lựa những chi tiết, những tình huống, những thời điểm bấm máy mà qua đó, chủ đề phim bộc lộ rõ nhất, tính cách nhân vật điển hình nhất. Đạo diễn cũng phải xây dựng mối quan hệ với nhân vật để họ tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ mọi suy nghĩ trước máy quay.


Cái thứ hai là cách làm hậu kỳ cho phim. Chúng tôi bố cục phim theo diễn biến thực, cố gắng tái hiện không gian bệnh viện, cuộc sống của các bệnh nhân với những hoạt động đời thường nhất. Vì thế, tính chân thật trở thành một đặc điểm nổi bật của phim. Tôi cảm ơn biên tập dựng người Pháp gốc Việt Sylvie Gadmer Tien đã có một bản dựng rất hay cho phim.


Trong lễ trao giải tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất vừa qua, bạn đã từng chia sẻ rằng “Bộ phim đã ghi và lưu lại những khoảnh khắc không bao giờ lấy lại được nữa!”, vậy bạn có thể cho khán giả biết rõ hơn về điều này?


Tôi có chia sẻ ở Lễ trao giải Liên hoan phim là Bộ phim đã giúp tôi hiểu được giá trị và ý nghĩa của Phim tài liệu khi nó ghi lại những khoảnh khắc không thể lấy lại được của hiện thực cuộc sống. Bởi nhân vật của tôi, bé Phương, và rất nhiều em nhỏ khác có mặt trong phim đã không còn nữa. Hình ảnh của các bé chỉ còn lại trong những thước phim.

“Bộ phim đã ghi và lưu lại những khoảnh khắc không bao giờ lấy lại được nữa!”


Và giải thưởng này bạn sẽ giành tặng…


Ý nghĩa lớn lao của giải thưởng này, tôi xin được chia sẻ với mẹ con Phương – những nhân vật yêu quý của tôi; với đạo diễn người Pháp Andre Van In, biên tập phim Sylvie Garmer, những đồng nghiệp, những đạo diễn trẻ của tôi ở Varan Việt Nam; những đồng nghiệp ở Ban Thời sự, những người thân yêu trong gia đình tôi, đã luôn động viên, khích lệ tôi

Xin cảm ơn Kim Hải về cuộc trao đổi này và chúc bạn thành công hơn nữa với công việc của mình.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước