Đã đến lúc báo chí điều tra phải thay đổi

-Thứ năm, ngày 29/03/2018 17:50 GMT+7

VTV.vn -Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị Báo chí Điều tra toàn cầu lần thứ 10, nhà báo Diệu Trang - VTV24, đã có nhiều chia sẻ về: Báo chí điều tra thời đại số.

Những bí mật cần điều tra chưa bao giờ trở nên phức tạp như hiện nay, bởi sự hỗ trợ của khoa học công nghệ và cả các chiêu thức được bày vẽ cho nhau quá nhiều trên các mạng xã hội.

Là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt ở Hội nghị báo chí điều tra được tổ chức ở Johannesberg, Nam Phi. Chị có thể cho biết, tại Hội nghị lần này vấn đề nào đáng chú ý nhất?

Nhà báo Diệu Trang: (Cười) Phải đính chính ngay lại rằng tôi là người duy nhất tham gia Hội nghị Báo chí điều tra toàn cầu GIJC lần thứ 10th với tư cách là một nhà báo điều tra. Còn Việt Nam có 2 bạn nữa cũng tham gia, ở góc độ người khai thác cơ sở dữ liệu. Đây là lần đầu tiên, cộng đồng nhà báo điều tra thế giới chính thức ra đặt câu hỏi về tương lai của thể loại báo chí "khó nhằn" và đẳng cấp nhất trong các loại hình báo chí. Hội nghị đã dành hơn 150 phiên thảo luận tập trung về các giải pháp công nghệ, các kĩ năng mới trong báo chí điều tra, đặc biệt là trên truyền hình và hệ thống trực tuyến. Tại Hội nghị, người ta nói với nhau về một thực tế là các cơ quan báo chí, các ông chủ truyền thông lớn trên thế giới đều đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang báo chí trực tuyến, báo chí số hóa - những loại hình có tốc độ sản xuất nhanh hơn, đầu tư gọn nhẹ, đưa tới nguồn lợi trong ngắn hạn. Đã có hàng loạt tòa soạn báo, cơ quan truyền thông tầm cỡ công bố cắt giảm chi phí thực hiện đối với thể loại phóng sự điều tra.

Sự dịch chuyển này đang đặt báo chí điều tra trong thời đại số phải đối mặt với rất nhiều thách thức đúng không?

Nhà báo Diệu Trang: Chính xác thì báo chí điều tra luôn bị thách thức, từ xưa đến nay. Nếu không phải là vì cách thể hiện mới, phương thức tác nghiệp mới, thì cũng là vì những nội dung, chủ đề luôn là thách thức mới vì xã hội thay đổi từng ngày, các chủ đề thời sự thay đổi từng giờ. Tuy nhiên, những bí mật cần điều tra chưa bao giờ trở nên phức tạp như hiện nay, bởi sự hỗ trợ của khoa học công nghệ và cả các chiêu thức được "bày vẽ" cho nhau quá nhiều trên các mạng xã hội (cười). Diện mạo mới của báo chí điều tra đòi hỏi các nhà báo điều tra phải tự thay đổi cho mình một "nhân diện" mới, đồng nghĩa với việc phải trang bị các công nghệ, kỹ thuật và kỹ năng mới trong khai thác dữ liệu, trong quá trình điều tra.

Đã đến lúc báo chí điều tra phải thay đổi - Ảnh 1.

Tác nghiệp" trong phiên họp tập trung tại đại hội trường Great Hall, Đại học Witwatersrand.

Tại Hội nghị, các nhà báo điều tra ưu tú trên thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm, hé lộ nhiều kĩ năng, thủ thuật, hướng dẫn cho chúng tôi cả các công cụ để truy xuất dữ liệu, khai thác thông tin. Chính các nhà báo trực tiếp thực hiện Hồ sơ Panama và Paradise gây chấn động dư luận trong thời gian qua cho biết, họ cũng đã phải dùng những công cụ xử lí đó để tìm kiếm ra manh mối của các đối tượng là các nhà tài phiệt, các ông chủ tập đoàn xuyên quốc gia, các yếu nhân tầm cỡ thế giới với các mối quan hệ xuyên lục địa chằng chịt của họ tới các chính phủ, các "thiên đường thuế"… Những thông tin có được từ rất nhiều nguồn, thậm chí cả từ các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Snapchat… Việc sử dụng thành thạo công nghệ chính là chìa khóa giúp các nhà báo mở được kho dữ liệu khổng lồ vốn đã được số hóa và liên kết chằng chịt trên toàn cầu, giúp họ có cơ hội tìm ra thông tin, thậm chí kiểm chứng cả nguồn tin một cách nhanh nhất có thể.

Trong các phiên thảo luận tại Hội nghị, Báo chí dữ liệu (Data Journalism) và Kiểm chứng nguồn tin (Fact Check) là hai chủ đề tập trung được sự chú ý hơn cả. Đó là kết quả tất yếu trong bối cảnh một xã hội "bội thực" tin tức, bao gồm cả các tin tức giả tạo (fake news). Vì có các tin tức giả tạo mà phải có môn kiểm tra thực tế và xác minh dữ kiện, phải có những ứng dụng Internet Manhunt với những kĩ năng, công cụ săn tìm con người trên môi trường trực tuyến...

Nếu so sánh báo chí điều tra của VTV với các đại diện ưu tú đến từ các nền báo chí đang phát triển trên thế giới, chị có thấy sự khác biệt hay khoảng cách quá lớn không?

Có chút bất ngờ ở đây. Tôi tham gia GIJC lần này là vì được cấp học bổng từ Mạng lưới các nhà báo điều tra toàn cầu – GIJN. Thế nên tâm lý ban đầu của mình chỉ nghĩ là đi để học hỏi, hấp thụ, thu nhận mọi thứ nhiều nhất có thể để mang về áp dụng. Thế nhưng, trong suốt tuần Hội nghị, tôi cũng có cơ hội được chia sẻ với bạn bè quốc tế trong một cảm giác hãnh diện, tự hào, vì rằng các phóng viên điều tra của VTV đã và đang sử dụng các kĩ năng thâm nhập thực tế, góc độ khai thác thông tin ít nhiều tiệm cận với cách thức các phóng viên quốc tế đang làm. 

Những kinh nghiệm từ các vệt điều tra của VTV và VTV24, trong các chương trình: "Chống buôn lậu, Hàng giả, Bảo vệ người tiêu dùng", "Chuyển động 24h"… đã được nhiều phóng viên quốc tế quan tâm và yêu cầu tôi tập hợp lại một số kinh nghiệm xử lí tình huống, xử lý dữ liệu, cách kể chuyện, thủ pháp tạo kịch tính trong series phóng sự… để gửi cho bạn mang về nước làm tài liệu tham khảo. Các cách khai thác thông tin bằng các tính năng Street View cho phép người dùng khám phá mọi địa điểm trên thế giới của Google Map, theo dõi tọa độ với Google Earth, ghi hình bằng các thiết bị bay không người lái (flying cam), các thiết bị ghi hình giấu kín… mà các phóng sự điều tra của VTV sử dụng đã khiến nhiều phóng viên quốc tế ngạc nhiên vì cũng tương đương như cách họ đang triển khai tại châu Âu, châu Mỹ…

Đã đến lúc báo chí điều tra phải thay đổi - Ảnh 2.

Trao đổi với Giáo sư Anton Harber - đại diện Ban tổ chức tại nước chủ nhà Nam Phi

Để đối phó với nạn tin tức giả, Đài THVN đã tăng cường trong khâu kiểm duyệt như thế nào?

Như bạn biết đấy, trước sự lộn xộn và rất "nhiễu" của thông tin hiện nay, Đài THVN đã thành lập Hội đồng tin tức để quản lý, định hướng cho dòng chảy thông tin chung trên các kênh sóng, đặc biệt là các kênh chính luận, thời sự. Đương nhiên trong đó có các sản phẩm báo chí điều tra. Tại VTV24 lại có hệ thống duyệt tin "4 bước". Mỗi đề tài điều tra đều được đưa ra phản biện, cân nhắc, nhằm đảm bảo tính chính xác về thông tin, an toàn về pháp lý, nhân văn trong cách thể hiện.

Có thể nói, chưa bao giờ VTV lại đề cao yếu tố pháp lý và tính chính xác của thông tin như thời điểm này. Nhưng không chỉ VTV, đây là một xu hướng của báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí điều tra. Điều này càng thể hiện rõ nét qua Hội nghị GIJC lần thứ 10 này. Tôi nghĩ rằng, trước xu thế mới, thói quen tiếp nhận thông tin kiểu mới, với các công nghệ mới, chắc chắn là đã đến lúc, những người làm báo chí điều tra phải có sự thay đổi, về cách khai thác và cách thể hiện thông tin, để luôn giữ được vị trí của mình trên hành trình thực hiện sứ mệnh đấu tranh vì lẽ công bằng.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước